'Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả' - Giải pháp căn cơ phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trong 15 năm qua, nhu cầu về điện của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 9,5%/năm và sẽ vẫn tiếp tục tăng khoảng 8,0%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Việc tiết kiệm điện thế nào để khoa học và hiệu quả đang đặt ra ngày càng cấp bách đối với mọi thành phần kinh tế xã hội, trong bối cảnh Việt Nam đang khai thác nhiều nguồn năng lượng như thủy điện, điện than, điện khí và điện năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, sinh khối, điện từ chất thải rắn... song vẫn đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung.
'Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả' - Giải pháp căn cơ phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam

Việt Nam trước nguy cơ thiếu điện

Thủy điện được coi là nguồn năng lượng có chi phí rẻ nhất, bên cạnh mục tiêu chính là sản xuất điện thì các hồ thủy điện còn tham gia điều tiết dòng chảy trong mùa mưa và giữa mùa mưa với mùa khô, góp phần khai thác thủy lợi một cách hiệu quả hơn..., tuy nhiên nguồn năng lượng này hiện nay của Việt Nam đã khai thác hết tiềm năng. Bên cạnh đó, việc phát triển thủy điện cũng gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên như mất rừng đầu nguồn, thay đổi dòng chảy và hệ sinh thái khu vực hạ lưu và các vấn đề môi trường xã hội như di dân, tái định cư,... cần phải giải quyết.

'Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả' - Giải pháp căn cơ phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam ảnh 1

việc phát triển thủy điện cũng gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên như mất rừng đầu nguồn, thay đổi dòng chảy và hệ sinh thái khu vực hạ lưu và các vấn đề môi trường xã hội như di dân...

Nhiệt điện than được ưu tiên phát triển dựa trên nguồn tài nguyên than đá sẵn có tại khu vực Đông Bắc khá dồi dào, chi phí cho việc khai thác và sử dụng thấp đã trở thành nguồn năng lượng có tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn than đá của chúng ta cũng có giới hạn và đã bắt đầu phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước, đặc biệt, với công nghệ sản xuất điện từ quá trình đốt than đã gây ra các tác động tiêu cực như tạo ra khói bụi, khí NOx, khí SOx... làm suy giảm chất lượng không khí, lượng lớn tro xỉ còn lại sau quá trình đốt sẽ có nguy cơ tác động đến môi trường đất, môi trường nước nếu không được xử lý và quản lý tốt.

'Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả' - Giải pháp căn cơ phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam ảnh 2

Nhiệt điện than là nguồn phát thải CO2 chính vào khí quyển và trở thành tác nhân gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bên cạnh đó, các nhà máy nhiệt điện than cũng là nguồn phát thải CO2 chính vào khí quyển và trở thành tác nhân gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu toàn cầu, do đó, cùng với các nỗ lực giảm nhẹ phát thải CO2 toàn cầu, nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính trên thế giới đã không còn cho vay, đầu tư vào các dự án điện than có công nghệ lạc hậu, phát thải lớn.

Nhiệt điện khí có công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, thân thiện với môi trường, rất phù hợp với xu thế phát triển bền vững, đặc biệt nhiệt điện khí sẽ kịp thời bổ sung nguồn điện khi các nhà máy điện năng lượng tái tạo không ổn định, hoặc không thể phát điện do thời tiết.

'Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả' - Giải pháp căn cơ phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam ảnh 3

Nhiệt điện khí gặp nhiều khó khăn về giá cả, thị trường, hạ tầng kỹ thuật cũng như không chủ động và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tuy nhiên, nguồn khí thiên nhiên (LNG) của chúng ta cũng có giới hạn và đang dần cạn kiệt, trước nhu cầu điện tiếp tục tăng cao thì việc nhập khẩu LNG để đáp ứng nhu cầu sẽ gặp nhiều khó khăn về giá cả, thị trường, hạ tầng kỹ thuật cũng như không chủ động và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nhiệt điện dầu được coi là có chi phí cao nhất trong các nguồn điện, do đó loại hình này chỉ được huy động và khai thác trong trường hợp đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao và sự thiếu hụt từ các nguồn điện khác như thủy điện vào mua khô.

Nhiệt điện sinh khối là việc sử dụng sinh khối (gồm cây cối, phụ phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp như rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp, lá khô, vụn gỗ,...) để sản xuất điện năng. Đây là dạng năng lượng tái tạo và có trữ lượng không nhỏ, sẵn có nên được nhiều nước quan tâm đầu tư.

'Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả' - Giải pháp căn cơ phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam ảnh 4

Nhà máy điện sinh khối tại Phú Yên.

Trong bối cảnh nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, giá dầu và LNG tăng cao và sự phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào thị trường thế giới, khả năng đáp ứng năng lượng đủ cho nhu cầu trong nước ngày càng khó khăn thì việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo sạch sẵn có với trữ lượng lớn này có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế, xã hội và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, với đặc điểm các nguồn sinh khối hiện nay đều phân tán, nhỏ lẻ và hạ tầng thu gom, vận chuyển, lưu trữ, xử lý để trở thành nguồn nguyên liệu đảm bảo kỹ thuật cho sản xuất điện là các thách thức mà chúng ta chưa vượt qua được.

Nhiệt điện từ đốt chất thải là công nghệ đốt chất thải để tạo ra điện ngày càng được áp dụng rộng rãi do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác, như giảm được 90-95% thể tích và khối lượng chất thải, có thể tận dụng nhiệt để phát điện, giảm phát thải khí nhà kính so với biện pháp chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi...

Tuy nhiên, đặc điểm của công nghệ này là giá thành đầu tư ban đầu cao, chi phí vận hành, bảo dưỡng lớn, tuổi thọ thiết bị ngắn, công suất nhỏ và hiệu suất thấp (từ 20 - 30%) dẫn đến thời gian hoàn vốn lên đến 10-20 năm, do đó không hấp dẫn các nhà đầu tư nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ nhà nước và chính người dân.

Điện gió được coi là nguồn năng lượng sạch vô tận, tái tạo, chi phí vận hành thấp và không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện nay năng lượng điện gió vẫn có chi phí đầu cao và sản lượng điện dao động lớn theo điều kiện gió, thời tiết và cũng gây tác động tiêu cực đến môi trường như đe dọa động vật hoang dã, gây tiếng ồn và cảnh quan sinh thái tại các khu vực đặt dự án.

Điện mặt trời cũng được coi là nguồn năng lượng sạch vô tận, tái tạo, quy trình vận hành đơn giản và chi phí thấp, không gây tiếng ồn và phát sinh ra các chất thải như các nguồn năng lượng truyền thống. Tuy nhiên cũng như điện gió, điện mặt trời vẫn có chi phí đầu tư khá cao, mức độ ổn định về sản lượng dao động lớn phù thuộc vào thời gian (ngày và đêm) và điều kiện thời tiết (mật độ mây).

'Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả' - Giải pháp căn cơ phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam ảnh 5

Mặc dù được coi là thân thiện với môi trường hơn, song một số quy trình công nghệ để chế tạo các tấm pin mặt trời cũng đi kèm với việc phát thải các loại khí nhà kính, nitơ trifluoride và hexaflorua lưu huỳnh, đặc biệt là việc sử dụng một số kim loại hiếm sẽ làm gia tăng hoạt động khai thác, chế biến, tinh luyện các loại khoáng sản này và sẽ gây các tác động rất lớn đến môi trường.

Ngoài ra, ở quy mô lớn, việc lắp đặt những cánh đồng pin mặt trời cũng chiếm rất nhiều diện tích đất, mặt nước, nhẽ ra được dành cho cây cối và thảm thực vật nói chung, từ đó cũng gây biến đổi môi trường sinh thái, cảnh quan tại các khu vực này. Đặc biệt, với các tấm pin mặt trời sau 25 - 30 năm sử dụng sẽ là một lượng lớn chất thải điện tử cần phải được quản lý, thu gom, xử lý, tái chế, thu hồi các kim loại nặng, kim loại hiếm... đây vẫn là nguy cơ tiềm ẩn, thách thức đối với Việt Nam cần giải quyết trong tương lai.

Điện từ các nguồn năng lượng khác như thủy triều, địa nhiệt, pin nhiên liệu (năng lượng Hydrogen)... là các dạng năng lượng sạch và năng lượng mới. Hiện nay các dạng năng lượng này vẫn chưa được phát triển tại Việt Nam vì tiềm năng không lớn hay công nghệ trên thế giới vẫn chưa được thương mại hóa với chi phí đầu tư mà chúng ta có thể tiếp cận được.

Trong bối cảnh như vậy, đâu là giải pháp toàn diện có thể giải quyết được bài toán phát triển bền vững ngành năng lượng?

Để giải quyết vấn đề này, theo các chuyên gia thì chúng ta cần phải quay trở lại tiếp cận từ tận gốc của vấn đề, đó là Nhu cầu năng lượng từ tất cả các hoạt động của nền kinh tế sẽ quyết định đến việc đáp ứng bằng các nguồn cung khác nhau để duy trì cân bằng Cung – Cầu nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển. Như vậy, nếu nhu cầu năng lượng điện càng tăng cao thì việc huy động, khai thác các nguồn năng lượng giá cao và gây nhiều tác động đến môi trường là việc làm khó tránh khỏi.

Đến đây, chúng ta có thể thấy giải pháp căn cơ phải chăng là cần phải giảm nhu cầu năng lượng, thực hiện sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả có phải là giải pháp căn cơ, tối ưu nhất để phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam?

'Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả' - Giải pháp căn cơ phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam ảnh 6

Nhận thức được điều này, Việt Nam chúng ta đã tích cực triển khai các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó có việc sử dụng năng lượng điện, bằng các quy định của Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ năm 2010 và các chính sách, chương trình hỗ trợ thực hiện. Việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng được triển khai rộng trên mọi hoạt động tiêu thụ năng lượng như:

- Lĩnh vực công nghiệp được đánh giá có mức tiêu thụ năng lượng cao nhất (trên 43% - năm 2015) đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả năng lượng như sử dụng, thay thế các thiết bị điện, nhiệt có hiệu suất cao, cải tiến nâng cao hiệu suất, tối ưu hóa quá trình sản xuất. Giai đoạn 2010 – 2015, việc thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực này đã góp phần quan trọng giúp chúng ta tiết kiệm được 5,65% tổng nhu cầu năng lượng toàn quốc.

- Lĩnh vực dân dụng mới mức tiêu thụ cao thứ hai là (khoảng 27% - năm 2015), bằng các giải pháp như thay thế bóng đèn tiết kiệm điện, sử dụng điều hòa không khí, tivi, tủ lạnh, quạt điện, thiết bị đun nấu bằng điện có hiệu suất cao, tiết kiệm điện... tại các hộ gia đình cũng đã góp phần không nhỏ trong việc giảm nhu cầu sử dụng điện, nhu cầu năng lượng chung của cả quốc gia.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ đóng góp tiết kiệm từ 5-7% tổng nhu cầu năng lượng quốc gia và sẽ đạt khoảng 8-10% vào năm 2030 là những mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã giao trong Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 của Việt Nam.

Để các mục tiêu này có thể đạt được đòi hỏi phải có sự tích cực, chủ động tham gia và luôn duy trì thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm của tất các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng và từng người dân.

Như vậy, với vai trò quan trọng của mình, các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chắc chắn vẫn là giải pháp căn cơ, ưu tiên và hiệu quả nhất góp phần phát triển bền vững ngành năng lượng của Việt Nam.

Giải pháp cho tiết kiệm năng lượng

Với khối các hộ gia đình

- Lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng (nhiều sao hơn, tiết kiệm hơn), sử dụng đèn LED thay thế đèn sợi đốt, sử dụng điều hòa nhiệt độ inverter,...

'Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả' - Giải pháp căn cơ phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam ảnh 7

- Thay đổi thói quen sử dụng điện như: Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng (rút phích cắm ra khỏi ổ điện); Sử dụng máy điều hòa không khí ở chế độ hợp lý (đặt nhiệt độ ở 25 - 26 độ C (ban ngày) và 27 - 28 độ C (ban đêm), sử dụng chung phòng điều hòa (vừa tiết kiệm điện vừa gắn kết thành viên gia đình tốt hơn), kết hợp vận hành điều hòa và quạt gió cùng lúc giúp giảm bớt công suất của điều hòa (có thể tiết kiệm tới 10% điện năng tiêu thụ).

Đặc biệt lưu ý khi sử dụng điều hòa, không để thất thoát không khí ra bên ngoài bằng cách đóng kín các cửa sổ, cửa kính, cửa ra vào,...; Đối tủ lạnh, chúng ta không đặt nhiệt độ quá lạnh, hạn chế số lần mở tủ lạnh để giảm lượng khí lạnh bay ra bên ngoài, kiểm tra gioăng cao su, cửa tủ phải kín để giữ nhiệt.

Đối với khối các doanh nghiệp sản xuất

- Bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn (như máy nghiền, máy nén khí, máy bơm... vào giờ cao điểm từ 17 giờ đến 20 giờ hàng ngày), không để các thiết bị điện hoạt động không tải;

'Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả' - Giải pháp căn cơ phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam ảnh 8

- Lắp đặt thêm các máy biến tần cho hệ thống máy nén, điều hòa công nghiệp, quạt gió, mô tơ có công suất lớn trong dây chuyền sản xuất... Đầu tư, cải tiến, thay thế dần các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị, công nghệ có hiệu suất cao và tiết kiệm điện;

- Lắp thêm các thiết bị đo đếm điện năng tại các bộ phận (tổ/đội/dây chuyền) sản xuất để kiểm soát lượng điện sử dụng, đồng thời giao trách nhiệm tiết kiệm điện cho các bộ phận trong doanh nghiệp thực hiện.

- Tuyên truyền sâu rộng tới toàn bộ cán bộ, công nhân viên và người lao động về thực hành tiết kiệm điện, xem chi phí tiền điện là một trong những chỉ số cần phải theo dõi thường xuyên và tiết kiệm tại tất cả các khâu trong sản xuất, kinh doanh. Có các hình thức động viên, khen thưởng thiết thực từ chính các hiệu quả tiết kiệm chi phí tiền điện đem lại cho người lao động.

Đối với khối các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, công sở, văn phòng, trường học

- Thực hiện các giải pháp về lựa chọn thiết bị điện, thay đổi thói quen sử dụng điện tương tự như các giải pháp đối với hộ gia đình. Đặc biệt các thiết bị điện tử như máy photo, máy in, máy tính cần phải được tắt nguồn (rút phích điệc ra khỏi ổ cắm) khi không sử dụng, tắt toàn bộ các thiết bị điện khi không còn ai ở lại cơ quan và vào ngày nghỉ (cắt cầu dao).

- Xây dựng các mô hình văn phòng xanh, phòng làm việc hiệu quả năng lượng, thiết kế không gian làm việc theo hướng tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên thay vì sử dụng đèn điện, thông gió tự nhiên thay vì việc phải sử dụng hệ thống quạt hoặc điều hòa không khí...

- Giống như các doanh nghiệp sản xuất, việc tuyên truyền sâu rộng tới toàn bộ cán bộ, công nhân viên và người lao động về thực hành tiết kiệm điện, xem chi phí tiền điện là một trong những chỉ số cần phải theo dõi thường xuyên và tiết kiệm tại tất cả các khâu trong kinh doanh, từng khu vực (từng tầng), toàn nhà, văn phòng làm việc... và có các hình thức động viên, khen thưởng thiết thực từ chính các hiệu quả tiết kiệm chi phí tiền điện đem lại cho người lao động.

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.