Sứ mệnh đã mang lại những hình ảnh đặc biệt, gần gũi với ruột của Trái đất và nguồn gốc của sự sống.
Quần đảo Aeolian ở Italia là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận vốn nổi tiếng với các trận núi lửa dữ dội. Ngày 13/5 vừa qua, núi lửa Stromboli đã trải qua một vụ nổ khủng khiếp, tạo ra một đám khói dày đặc và lở đất tràn ra biển. Trong khi vụ phun trào này rất dễ nhìn thấy thì ít người biết, có đến một triệu núi lửa ở dưới nước, chiếm tới 80% hoạt động núi lửa trên thế giới bị che khuất.
Là một phần của Thập kỷ Khoa học Đại dương (2021-2030), do UNESCO điều phối, sứ mệnh khám phá “UNESCO - Một Đại dương” do nhiếp ảnh gia kiêm nhà thám hiểm Alexis Rosenfeld dẫn đầu đã thực hiện một sứ mệnh thám hiểm dưới nước vào đầu tháng 6/2022, cách núi lửa Stromboli không xa, ở ngoài khơi hòn đảo của Panarea để tìm hiểu rõ hơn hoạt động của các núi lửa dưới nước.
Đi sâu vào “lòng” núi lửa kỳ vĩ nhất châu Âu
Những hình ảnh do Alexis Rosenfeld và nhà làm phim người Italia Roberto Rinaldi quay lại đưa mọi người đi sâu vào miệng núi lửa dưới nước Panarea, dọc theo vành của miệng núi lửa. Ở độ sâu chỉ vài mét, những vụ phun trào khí vĩnh viễn, xuất phát trực tiếp từ buồng magma của núi lửa, thoát ra khỏi ruột Trái đất tạo thành những bức màn bong bóng ấn tượng. Một số khu vực thải ra lượng khí tính toán được lên đến hơn một triệu lít khí mỗi ngày.
Ông Alexis Rosenfeld, nhà thám hiểm, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim tài liệu thuộc dự án “UNESCO – Một Đại dương” chia sẻ: “Từ bên ngoài, bạn sẽ không nghi ngờ bất cứ điều gì. Tuy nhiên, những ngọn núi lửa dưới nước của Panarea là một trong những cảnh quan nổi bật nhất, kỳ vĩ nhất mà tôi từng thấy. Chúng ta cùng lúc được bao bọc bởi sự im lặng vô tận của đại dương và ở giữa cảnh tượng đẹp như tranh vẽ của những ống khói núi lửa phun ra khí và chất lỏng cháy, giống như đang ở cổng địa ngục. Bạn nhận ra rằng Trái đất đang sống”.
Mối đe dọa thường xuyên với các quần thể ven biển
Những hiện tượng này được theo dõi hàng ngày bởi nhóm của Giáo sư Francesco Italiano, người đứng đầu bộ phận Palermo của Viện Địa vật lý và Núi lửa Quốc gia, vì chúng có thể đại diện cho một nguy cơ đối với con người.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã ghi nhận một sự bất ổn trong hoạt động của núi lửa cần được nghiên cứu thêm. Theo ông Francesco Italiano, ước tính rằng, theo một chu kỳ tự nhiên, cứ 70 năm lại có một vụ nổ lớn ở khu vực này. Lần cuối cùng diễn ra vào cuối những năm 1930. Một trong những rủi ro nếu có vụ nổ xảy ra là sự hình thành của sóng thần.
Ưu tiên của UNESCO
UNESCO có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này, nhờ vào Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ (IOC). Kể từ những năm 1960, Ủy ban đã điều phối Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương (PTWS). Năm 2005, Ủy ban này bổ sung thêm ba hệ thống khác: CTWS ở Caribê, IOTWS ở Ấn Độ Dương và NEAMTWS ở đông bắc Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.
Liên hiệp quốc cũng đã phát triển một chương trình đào tạo cho người dân ven biển, được thực hiện thành công ở một số khu vực trên thế giới, như Đông Nam Á, châu Đại Dương và Caribe, hiện đang được triển khai xung quanh Địa Trung Hải.