Tiết trời tháng 4 ở vùng viễn biên này buổi sớm mai vẫn còn rất lạnh, sương giăng dày các triền núi, lấp kín cả dòng sông Chảy ngoằn ngoèo uốn lượn. Chiếc xe máy mò mẫm, nhảy chồm chồm trên những cung đường cua tay áo. Những bản làng nằm ẩn mình sau những cánh rừng già, nơi đầu nguồn sông Chảy của xã Pha Long, cách thành phố Lào Cai nửa ngày đường đi xe máy, hiện ra trước mắt. Đám trẻ con da đen đúa, tóc vàng hoe màu nắng gió thấy khách lạ cười hồn nhiên rồi chạy mất hút vào bản. Vừa đặt chân đến đây, tôi đã cảm nhận được một cái gì đó bí ẩn sau những đôi mắt to đẹp, ngơ ngác đó.
Đồng bào Mông ở Pha Long chiếm trên 80%, sống tại những triền đồi cao thoai thoải bên dòng sông Chảy thơ mộng. Sống nhờ rừng, chết cũng nhờ rừng, người dân Pha Long coi rừng như máu của mình vậy. Có cả một hương ước được các già làng xây dựng lên để trừng phạt những kẻ cố tình làm rừng “chảy máu”. Lễ hội cúng rừng được tổ chức vào dịp đầu xuân mới hàng năm là lễ hội lớn nhất nơi đây. Tại khu rừng cấm, mâm cỗ cúng được bày ngay dưới gốc cây cổ thụ, người hành lễ đọc bài cầu chúc cho mưa thuận, gió hòa, rừng cây luôn xanh tốt, mùa màng sinh sôi. Già làng, trưởng bản nhắc mọi người không được phá rừng, rồi phân khu đất cho từng nhà tăng gia, làm vườn, không được thả rông gia súc.
Bộ đội Đồn biên phòng Pha Long tặng ngựa cho hộ nghèo xã Pha Long. |
Bí thư Đảng ủy xã Pha Long, Lê Đức Hạnh kể: “Ngày trước buồn lắm, làm buổi sáng, ăn buổi chiều, quanh năm thiếu đói. Bây giờ thì đổi đời rồi, ăn cơm mới, nói chuyện mới thôi!”. Chỉ ra con đường nhựa liên xã nằm uốn lượn, vắt ngang qua những sườn đồi bên dòng sông Chảy, ông nói tiếp: “Kia là con đường chở đói nghèo ra đi đấy. Từ ngày có đường, cả xã này đổi thay nhiều lắm. Cũng nhờ nó, cái chữ có lối mà vào!”.
Theo Bí thư Huyện ủy Mường Khương, đồng chí Nguyễn Chí Sử, năm 2000 trở về trước, gần 80% số hộ của xã Pha Long thuộc diện đói, nghèo; an ninh trật tự phức tạp, nạn trộm cắp trâu bò thường xuyên xảy ra...; dù hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể được thành lập đầy đủ, song hoạt động chưa hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay xã biên giới đặc biệt khó khăn Pha Long đã được chấm phá bằng những mảng màu tươi sáng, sinh động. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 49%; trên 80% hộ đạt gia đình văn hoá; 60% thôn bản đạt thôn văn hoá; 90% gia đình có xe máy, ti vi, đầu thu vệ tinh, điện thoại di động. Đặc biệt, cả 3 cấp học, trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đồng bào an tâm lao động sản xuất, bởi tình hình an ninh trật tự thôn bản ổn định…
Đồng bào canh tác bên dòng sông Chảy. |
Từ ngày con đường từ Mường Khương sang Si Ma Cai được mở, Pha Long như được lột xác. Những chiếc xe máy dần thay thế cho những chú ngựa thồ trước kia giúp người dân dễ dàng hơn trong việc đi lại, giao thương với bên ngoài. Nông sản làm ra đã có thương lái đưa xe ô tô vào tận thôn bản thu mua, ai cũng vui lắm. Rồi công trình thủy lợi cũng được đầu tư nhờ nguồn vốn 135, giải quyết được cơn “khát” cho những thửa ruộng vào mùa khô.
Những con đường bê tông nối thôn bản, tạo điều kiện để đồng bào phát triên kinh tế - xã hội. |
Khi cuộc sống đủ ăn, người dân bắt đầu nghĩ đến tương lai, bắt đầu thương những đứa trẻ. Họ biết không dứt được hủ tục, đói nghèo, không cho con em mình bám lấy cái chữ thì chắc hẳn đời chúng sẽ cơ cực. Và ngày càng có nhiều bạn nhỏ, rời bản đến lớp đến trường học cái chữ. Các thầy cô giáo cũng không còn phải đi vận động, dỗ dành từng em nhỏ đến trường nữa.
“Để tạo nên những bước chuyển biến này, ngoài sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và đồng bào trong xã, vai trò trợ giúp của cán bộ chiến sỹ Đồn biên phòng Pha Long thật sự rất quan trọng”, Bí thư Nguyễn Chí Sử cho biết.
Đồn biên phòng Pha Long đứng chân trên địa bàn biên giới với nhiệm vụ quản lý 16,3 km đường biên, trải dài hai xã Pha Long và Tả Ngải Chồ. Ban chỉ huy Đồn nhận thức rất sâu sắc, muốn làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, thì phải dựa vào sức mạnh hệ thống chính trị cơ sở, dựa vào sức mạnh của toàn dân. Đồn biên phòng Pha Long đã xây dựng kế hoạch, chiến lược cụ thể để hỗ trợ tham mưu cho chính quyền về các giải pháp phát triển toàn diện, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào vượt qua cảnh đói nghèo.
Chiến sĩ Đồn biên phòng Pha Long thăm hỏi đồng bào. |
Thời gian đầu, đơn vị thường hỗ trợ hộ nghèo bằng lương thực, thực phẩm khi đói giáp hạt. Qua một thời gian, nhận thấy đồng bào hết nguồn hỗ trợ thì nghèo lại hoàn nghèo. Vì vậy, cấp ủy, Ban chỉ huy Đồn bàn bạc quyết định chuyển phương thức hỗ trợ cây giống, con giống, công lao động, hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con trồng trọt, chăn nuôi dựa trên những điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng để tạo nguồn thu nhập cho bà con. Khi có nguồn thu nhập ổn định, lâu dài, bà con sẽ tự vươn lên thoát nghèo.
Từ chủ trương đặt ra, cán bộ chiến sỹ đã quyên góp hàng trăm triệu đồng để mua ngựa và lợn giống hỗ trợ một số hộ gia đình nghèo trong xã làm vốn phát triển sản xuất. Điển hình như gia đình anh Lồ Seo Giả, ở thôn Tả Lùng Thắng, thuộc diện hộ đặc biệt khó khăn. Năm 2015 gia đình anh Giả được Đồn biên phòng tặng một con ngựa sinh sản. Anh Lồ Seo Giả đã dùng ngựa để giảm sức lao động cho việc vận chuyển nông sản từ nương về, cũng như đưa ra chợ bán. Đầu năm 2016, con ngựa này đã đẻ lứa đầu tiên, đến nay chú ngựa con theo giá thị trường, nếu bán gia đình anh Giả cũng có khoảng vài chục triệu đồng. “Nhờ các anh bộ đội Đồn Pha Long mà gia đình tôi mới được thoát nghèo, có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay. Không biết nói gì đâu, cám ơn bộ đội thôi”, anh Giả xúc động cho biết.
Đồn biên phòng Pha Long đỡ đầu các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. |
Không chỉ làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự, quản lý tốt đường biên mốc giới, cán bộ chiến sỹ biên phòng Pha Long còn phối hợp với các nhà trường vận động các gia đình đưa con em tới lớp, tới trường. Hiện nay, Đồn Pha Long đang nhận đỡ đầu cho 5 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nuôi các cháu ăn học hằng tháng, với mức hỗ trợ 500.000đồng/cháu/tháng, giúp các cháu vượt lên số phận, tiếp tục học tập.
“Hiện nay, cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Pha Long đang cùng với chính quyền địa phương triển khai thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới, với quyết tâm đến hết năm 2018, xã Pha Long sẽ về đích nông thôn mới. Trước mắt, phối hợp với chính quyền, người dân hoàn thiện tiêu chí về đường giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa nông sản của bà con”, Bí thư Nguyễn Chí Sử cho biết.
Khi chúng tôi chia tay Pha Long, những cây đào rừng đã kết trái, báo hiệu một mùa no ấm đang về.