African Parks - có trụ sở tại thành phố Johannesburg (Nam Phi) - quản lý 22 khu bảo tồn với tổng diện tích 20 triệu hécta nằm tại 12 quốc gia trên khắp châu Phi từ Angola đến Nam Sudan.
Tê giác trắng phương Nam là mục tiêu của các đối tượng săn trộm ở Nam Phi trong hơn một thập kỷ qua. Đây là loài phổ biến nhất trong số 5 loài tê giác trên thế giới. African Parks có kế hoạch khôi phục quần thể tê giác trắng phương Nam tại Khu bảo tồn Munywana - nơi từng là một phần của phạm vi tự nhiên của chúng. African Parks cho biết đã tặng 40 con trong số 2.000 con tê giác mà họ đang có cho khu bảo tồn thuộc sở hữu của cộng đồng ở phía Bắc tỉnh KwaZulu Natal này.
Trong thông báo ngày 16/5, ông Peter Fearnhead - Giám đốc điều hành African Parks – nêu rõ: “Sự thành công trong việc tái hoang dã 2.000 con tê giác này phụ thuộc vào các khu vực được bảo vệ tốt và được quản lý hiệu quả trên khắp châu Phi, trong đó Khu bảo tồn Munywana là một ví dụ điển hình”.
African Parks đã mua lại trang trại Dự án Tê giác Bạch kim của ông John Hume – một chủ sở hữu đã hơn 80 tuổi – hồi năm ngoái. Ông Hume đã bắt đầu nuôi những con tê giác này từ năm 2009, với tổng kinh phí khoảng 150 triệu USD. Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính, ông buộc phải bán lại trang trại nằm cách thành phố Johannesburg khoảng 160 km về phía Tây Nam này.
Số lượng tê giác ở châu Phi đã bị suy giảm sau một thế kỷ trở thành mục tiêu của các đối tượng săn trộm. Trên thế giới hiện còn khoảng 13.000 con tê giác trắng phương Nam, hầu hết sống ở Nam Phi.
African Parks được thành lập vào năm 2000 với mục tiêu khắc phục tình trạng suy giảm các khu bảo tồn trên khắp châu Phi, do quản lý kém và thiếu kinh phí. Tổ chức này nhận được sự hỗ trợ của nhiều quỹ từ thiện như Quỹ Howard G. Buffett; Quỹ Rob và Melani Walton (cùng của Mỹ) và quỹ do gia đình tỷ phú Oppenheimer của Nam Phi và ông trùm thiết bị y tế Thụy Sĩ Hansjoerg Wyss đồng sáng lập.