Các nhà đàm phán họp tại trụ sở của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Rome (Italy). Hơn 2 năm sau khi đạt thỏa thuận mang tính bước ngoặt về thiên nhiên mang tên Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (năm 2022) -- bao gồm cam kết bảo vệ 30% đất liền và biển của thế giới vào năm 2030 -- các nhà đàm phán vẫn tiếp tục thảo luận về số tiền cần thiết để đảo ngược sự tàn phá mà các nhà khoa học cho rằng đang đe dọa 1 triệu loài động thực vật. Họ có nhiệm vụ phá vỡ thế bế tắc về tài trợ giữa các nước giàu và các nước đang phát triển sau khi Hội nghị COP16 không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Chủ tịch COP16 Susana Muhamad nhấn mạnh rằng sứ mệnh bảo vệ thiên nhiên có sức mạnh đoàn kết thế giới trong bối cảnh địa chính trị phân cực. Bà kêu gọi các quốc gia một lần nữa hợp tác vì một trong những mục đích quan trọng nhất của nhân loại trong thế kỷ XXI đó là năng lực chung của các nước nhằm duy trì sự sống trên Trái Đất.
Các cuộc đàm phán diễn ra vào thời điểm biến động địa chính trị khi các quốc gia phải đối mặt với nhiều thách thức từ căng thẳng thương mại và lo ngại về nợ cho đến cuộc xung đột ở Ukraine. Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ cũng được quan tâm, mặc dù Washington chưa ký Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học.
So với COP16 quy tụ số lượng kỷ lục 23.000 người tham dự, các cuộc đàm phán lần này tại Rome diễn ra ở quy mô và định dạng nhỏ hơn, với chỉ khoảng 1.400 đại biểu.
Các quốc gia có thời hạn đến ngày 27/2 để đàm phán và đạt được một thỏa thuận về kế hoạch huy động ít nhất 200 tỷ USD tài trợ mỗi năm để bảo vệ thiên nhiên vào năm 2030, trong đó có 30 tỷ USD/năm từ các quốc gia giàu có hơn dành cho các quốc gia đang phát triển.
Trước đó, tại COP16 ở Colombia, các quốc gia đang phát triển -- dẫn đầu là Brazil và nhóm châu Phi -- muốn thành lập một quỹ đa dạng sinh học mới,viện dẫn lý do họ không được đại diện đầy đủ trong các cơ chế hiện có. Tuy nhiên, các quốc gia giàu có -- dẫn đầu là Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Canada -- cho rằng việc thành lập nhiều quỹ sẽ làm phân mảnh viện trợ. Vào ngày 21/2 vừa qua, Chủ tịch COP16 đã công bố một văn bản mới đề xuất hoãn quyết định cuối cùng về quỹ đa dạng sinh học mới sang các cuộc đàm phán trong tương lai của Liên hợp quốc, đồng thời đề xuất cải cách nguồn tài trợ hiện có cho bảo tồn thiên nhiên.