Trong báo cáo công bố trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) tuần này, Oxfam nêu rõ tài sản của 5 tỷ phú trên đã tăng từ 405 tỷ USD năm 2020 lên 869 tỷ USD vào năm ngoái. Trái lại, trong giai đoạn đó, gần 5 tỷ người trên toàn thế giới trở nên nghèo hơn.
Cũng theo báo cáo, các tỷ phú hiện nay có tổng giá trị tài sản nhiều hơn 3,3 tỷ USD so với năm 2020 bất chấp nhiều cuộc khủng hoảng gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới kể từ đầu thập niên này, trong đó có đại dịch COVID-19.
Oxfam cho rằng tình trạng bất bình đẳng toàn cầu ngày càng gia tăng, trong đó các cá nhân và những công ty giàu nhất không chỉ tích lũy được khối tài sản "kếch xù" hơn nhờ giá cổ phiếu tăng mà còn có tầm ảnh hưởng lớn hơn. Tổ chức này cho rằng "quyền lực doanh nghiệp" có thể gây bất bình đẳng theo hướng tạo sức ép đối với người lao động, làm lợi cho các cổ đông giàu có, trốn thuế và tư nhân hóa nhà nước.
Theo Oxfam nhiều nhà nước đã trao quyền cho các công ty độc quyền, cho phép các tập đoàn chủ động chính sách trả lương cho người lao động, giá thực phẩm và các loại thuốc mà người dân có thể tiếp cận. Ngoài ra, trên khắp thế giới, các công ty tư nhân đã vận động hành lang mạnh mẽ, tác động đến việc hoạch định chính sách thuế, thúc đẩy lãi suất thấp hơn, tạo nhiều kẽ hở hơn cũng như các biện pháp kém minh bạch khác nhằm nộp thuế ít nhất có thể cho nhà nước, từ đó tước đi nguồn thu của chính phủ có thể được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho những người nghèo nhất trong xã hội.
Oxfam lưu ý rằng thuế doanh nghiệp đã giảm đáng kể ở các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) từ 48% năm 1980 xuống còn 23,1% vào năm 2022.
Để giải quyết tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng nói trên, Oxfam kêu gọi đánh thuế tài sản đối với các triệu phú và tỷ phú trên thế giới. Tổ chức này cho rằng biện pháp đó có thể giúp mang lại nguồn thu lên tới 1.800 tỷ USD mỗi năm. Bên cạnh đó, Oxfam kêu gọi giới hạn lương của các Giám đốc điều hành (CEO) và xóa bỏ hình thức công ty tư nhân độc quyền.