Trong số 15 cá thể được tái thả lần này, có ba cá thể đang mang thai, một cá thể được sinh ra trong môi trường nuôi nhốt. Cá thể ở lâu nhất là từ đầu năm 2022. Sau một thời gian dài được chăm sóc, phục hồi tại trung tâm cứu hộ, các cá thể đã đủ điều kiện tái thả lại tự nhiên.
Chuyến tái thả kéo dài một ngày một đêm với quãng đường di chuyển 600 km. Đường vào bị sụt lún do mưa, để đảm bảo an toàn cho động vật và đoàn tái thả, các cá thể tê tê đã được chuyển từ hộp vận chuyển vào các túi vải, sau đó di chuyển sâu vào khu vực tái thả bằng xe máy.
Tê tê là loài hoạt động về đêm, việc tái thả cũng diễn ra vào ban đêm. Sau khi được tự do, các cá thể thường di chuyển rất xa để đi tìm chỗ trú ẩn an toàn. Trước mỗi đợt tái thả, đội nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam sẽ phân tích tìm các môi trường sống phù hợp cho từng loài.
Theo Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam, tê tê nói riêng và các loài động vật hoang dã sau khi được trung tâm cứu hộ đều phải trải qua quá trình kiểm dịch trong tối thiểu 30 ngày nhằm theo dõi sức khỏe, huấn luyện bản năng và kiểm soát bệnh dịch. Sau đó, các cá thể sẽ được đánh giá điều kiện tái thả dựa trên các tiêu chí như khỏe mạnh và không mang mầm bệnh, có nguồn gốc tự nhiên, có khả năng tự vệ và tìm kiếm thức ăn ngoài tự nhiên.
Tê tê Java (Manis Javanica) được xếp vào danh sách cực kỳ nguy cấp. Kể từ khi thành lập, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam đã cứu hộ thành công gần 1.700 cá thể tê tê, trở thành đơn vị thực hiện cứu hộ tê tê nhiều nhất thế giới.