Tái thiết sau bão siêu bão Yagi: Đồng hành lúc dân cần, khi dân khó

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bão số 3 (Yagi), cơn bão lịch sử có sức càn quét kinh hoàng đổ bộ vào Việt Nam đã được gần 1 tuần. Mặc dù đã có sự chuẩn bị, ứng phó nhưng siêu bão này vẫn để lại những mất mát và hậu quả rất nặng nề.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn mất tích do sạt lở đất tại làng Nủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn mất tích do sạt lở đất tại làng Nủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Trước, trong và sau bão, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước đã triển khai mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra.

Cứu dân là ưu tiên cao nhất

Khi những dòng lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, gây thiệt hại nghiêm trọng tại vùng núi phía Bắc, trong ngày 12/9, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đã trực tiếp đến những điểm nóng, những nơi có “mạch sủi” trên đoạn đê xung yếu, vùng “rốn lũ” hay nơi xảy ra trận sạt lở đất kinh hoàng - Làng Nủ… để sẻ chia với những mất mát của đồng bào, động viên các lực lượng cứu nạn, cứu hộ; kịp thời có những chỉ đạo sát sao với chính quyền, lực lượng chức năng.

Đến kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lụt bão tại xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang vào chiều 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ân cần thăm hỏi người dân đang được sơ tán tới Nhà văn hóa Thôn Phú Thọ 1, xã Trường Sinh.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia buồn sâu sắc đến các gia đình có thân nhân mất do bão lũ; gửi lời cảm thông và chia sẻ với những khó khăn, mất mát của nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão lũ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, về phương hướng trong thời gian tới, không chỉ với Tuyên Quang mà với cả các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng của bão cần xác định “cứu dân là ưu tiên cao nhất”, “sức mạnh lực lượng vũ trang là nòng cốt” để triển khai đồng bộ, quyết liệt mọi biện pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ.

Theo dõi sát sao tình hình siêu bão, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã liên tiếp ban hành nhiều công điện; chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung ứng phó bão từ sớm, từ xa với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất. Thủ tướng cũng phân công, thành lập các Đoàn do các Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó ở các địa phương...; quyết định lập Ban Chỉ đạo tiền phương để trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão.

Chiều 12/9, trực tiếp tới thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai - nơi sạt lở vùi lấp 37 hộ, khiến 95 người chết và mất tích, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lực lượng Quân đội, Công an, Y tế và các lực lượng khác phối hợp với chính quyền địa phương huy động thêm lực lượng, phương tiện tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích; cứu chữa cho những người bị thương; lo hậu sự chu đáo cho người thiệt mạng.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, yêu cầu tỉnh Lào Cai nghiên cứu quy hoạch, bố trí quỹ đất, hỗ trợ chỗ ở cho người dân. Đối với người dân bị mất nhà cửa ở thôn Làng Nủ phải xong trước ngày 31/12/2024.

Ngay sau khi kết thúc chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và chủ trì khai mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng trong ngày 12/9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đến thăm, động viên, kiểm tra tình hình và chỉ đạo khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Kiểm tra thực địa tại xã Nga My - một trong những “rốn lũ” của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Quốc hội đã ân cần thăm hỏi tình hình và động viên bà con khắc phục khó khăn, phối hợp cùng chính quyền địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn để tập trung khắc phục hậu quả do bão và mưa lũ gây ra. Chủ tịch Quốc hội đã ân cần dặn dò cháu nhỏ sau bão cần sớm trở lại trường học tập cùng thầy, cùng bạn…

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cũng như các Công điện và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Công an nhân dân đã thể hiện tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, khẳng định bản lĩnh của lực lượng vũ trang và trở thành điểm tựa vững chắc cho nhân dân. Trong bão lũ, hơn 150.000 lượt cán bộ, chiến sĩ công an cùng hàng chục nghìn trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ nhân dân trong công tác phòng chống, ứng phó, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục thiệt hại. Đặc biệt, có 3 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, nhiều đồng chí bị thương, mất người thân hoặc thiệt hại tài sản trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Trong Lễ phát động quyên góp ủng hộ nhân dân bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 (Yagi) ngày 10/9, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, trong khó khăn hoạn nạn, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã huy động hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, đoàn viên, thanh niên, cộng đồng dân cư kịp thời giúp đỡ, sơ tán, cứu hộ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Đã có cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an dũng cảm hy sinh khi làm nhiệm vụ. Lực lượng vũ trang cùng với cán bộ cơ sở đã bất chấp nguy hiểm lao mình vào mưa giông, bão giật cứu giúp người dân, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Ứng phó với bão số 3, Quân đội đã huy động hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ (bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên) và hơn 10.100 phương tiện các loại; trong đó, có hơn 400 xe đặc chủng, hàng nghìn ô tô, tàu thuyền và 6 máy bay trực thăng. Các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa và di dời khỏi khu vực nguy hiểm. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn sắp xếp neo đậu tàu, thuyền tại nơi tránh trú an toàn, xử lý kịp thời tình huống có thể xảy ra…

Tái thiết sau siêu bão

Siêu bão đi qua, ngay sau đó lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sau hoàn lưu bão đã gây nên nỗi kinh hoàng, đau thương, mất mát cho người dân các tỉnh, thành phố miền Bắc. Công tác khắc phục hậu quả bão lũ vẫn đang được thực hiện khẩn trương. Nhiều người dân vùng thiệt hại do bão lũ vẫn đang rất cần sự hỗ trợ, sẻ chia…

Ngay trong chiều 13/9, trực thăng quân sự của Trung đoàn Không quân 916 (Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân) từ Hà Nội chở hàng hóa, nhu yếu phẩm tiếp tục tiếp ứng cho đồng bào tại các khu vực đang bị cô lập, giao thông chia cắt do ảnh hưởng của bão lũ ở huyện Bảo Lâm và huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Chuyến bay mang theo gần 2 tấn hàng hóa thiết yếu như: Mì tôm, thịt hộp, nước uống, sữa, lương khô, áo phao cứu sinh, quần áo, chăn màn… tới tiếp ứng cho đồng bào vùng lũ.

Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chính ủy Trung đoàn 916 (Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân) cho biết, trong ngày 13/9, đơn vị tiếp tục làm công tác chuẩn bị cho 3 máy bay, trong đó có 2 máy bay chính thức và 1 máy bay dự bị.

Trước đó, ngày 12/9, trực thăng quân sự đã thực hiện chuyến bay đầu tiên của Trung đoàn Trực thăng 916 thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và vận chuyển nhu yếu phẩm, phao cứu sinh giúp đỡ đồng bào vùng lũ ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Cùng chuyên chở hàng hóa tới huyện Nguyên Bình để hỗ trợ đồng bào trong ngày 12/9 còn có máy bay EC-155-B1 của Công ty Trực thăng miền Bắc, Binh đoàn 18 (Bộ Quốc phòng).

Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, “Thương người như thể thương thân”, "Lá lành đùm lá rách", Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tha thiết kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở Việt Nam… dành chia sẻ, giúp đỡ về tinh thần, vật chất, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước nhanh chóng khôi phục sản xuất và đời sống của nhân dân.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong thời gian rất ngắn, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các địa phương trong cả nước đã có nghĩa cử cao đẹp, kêu gọi vận động và đăng ký ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Tính đến 17 giờ ngày 13/9/2024, các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương là 775,5 tỷ đồng. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đăng tải hàng chục nghìn trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Việc làm trên nhằm bảo đảm tính minh bạch, giúp tất cả mọi người có thể theo dõi toàn bộ việc ủng hộ trong thời gian qua.

Chiều 13/9, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) công bố chương trình chung tay cứu trợ khẩn cấp đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trên nền tảng VNeID. Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục C06 cho biết, việc triển khai chương trình này mang ý nghĩa, có tính thiết thực và kịp thời, thể hiện sự cố gắng nỗ lực trong thời gian rất ngắn của lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư và các đơn vị đồng hành, với mong muốn sẽ cung cấp cho đồng bào, nhân dân cả nước có một nền tảng cứu trợ tin cậy, an toàn, chia sẻ với người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

"Thông qua tài khoản Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trên VNeID đã hiển thị nội dung những dòng tiền quý báu ủng hộ của đồng bào cả nước đến tận tay người dân có hoàn cảnh khó khăn trong vùng lũ. Các cá nhân sẽ tiếp cận được với sự ủng hộ trực tiếp, minh bạch", Đại tá Vũ Văn Tấn cho biết.

Thông qua VNeID, Bộ Công an muốn chia sẻ những thiệt hại rất nặng nề với đồng bào, nhân dân vùng lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), phát huy cao nhất tinh thần "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", sát cánh cùng vượt qua mọi gian khó, sớm khắc phục hậu quả sau bão, ổn định cuộc sống, tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, VNeID sẽ đánh giá mức độ khả tín khách hàng vay, từ đó những người dân vùng lũ bị ảnh hưởng sẽ nhận được thông báo hỗ trợ vay vốn tín chấp với các ngân hàng để có kinh phí phục vụ ổn định cuộc sống và các hoạt động sản xuất sau thiên tai.

Lào Cai hiện là địa phương có nhiều người chết và mất tích với 179 người (98 người chết, 81 người mất tích) tính đến 7 giờ ngày 13/9. Trong sáng 13/9, "phép màu" đã xảy ra - thông tin vui nhất ở vùng lũ Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, những ngày qua là 2 hộ với 8 khẩu được cho là mất tích đã trở về an toàn. Đến 16 giờ 15 cùng ngày có thêm 3 người dân thôn Làng Nủ may mắn thoát chết trong lũ dữ do đi làm ăn xa. Như vậy, trong ngày 13/9, Lào Cai đón 11 người nghi mất tích trở về.

Với diễn biến lũ đang dần xuống như hiện nay, người dân một số địa phương thuộc vùng phân lũ, xả lũ các địa phương đã trở về nhà, ổn định cuộc sống sau lệnh di dân. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh trong ngày 13/9 đã rút lệnh báo động 3 trên triền sông Thái Bình và rút lệnh báo động 2 trên trên sông Đuống…

Cơn bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh đã gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn, tác động mọi mặt đến đời sống xã hội, trong đó có ngành dịch vụ - du lịch. Toàn tỉnh có 27 tàu du lịch và 4 tàu chuyển tải bị đắm… Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy chỉ đạo tỉnh sẽ tổ chức chiến dịch 3 ngày làm sạch vịnh Hạ Long để thu gom rác thải, chỉnh trang hạ tầng, trục vớt các tàu bị chìm, huy động tổ chức, đoàn thể cùng vào cuộc. Vịnh Hạ Long đã chính thức “mở cửa” để các tàu du lịch hoạt động trở lại bình thường. Nhịp sống nói chung và ngành Du lịch nói riêng đã dần bình thường trở lại ở “thành phố bên bờ di sản”.

Ảnh hưởng của cơn bão đã làm giao thông ở Yên Bái chia cắt, thông tin liên lạc bị gián đoạn. Ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai các biện pháp khắc phục nhanh nhất để bảo đảm thông tin liên lạc, đặc biệt ở nơi ngập lũ, bị cô lập. Đến nay, các nhà mạng đã cơ bản khắc phục các thiệt hại do thiên tai gây ra…

Tại nhiều địa phương bị ảnh hưởng bão lũ, các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành vẫn đang tiếp tục đến để chia sẻ với những khó khăn, động viên nhân dân; đồng thời chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai; triển khai đồng bộ, quyết liệt mọi giải pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; triển khai nhanh nhất các biện pháp để đưa nhu yếu phẩm đến cho người dân và chú trọng bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ...

Rất nhiều cá nhân, tập thể đã và đang quyên góp thực phẩm, quần áo, đồ dùng, ủng hộ tiền mặt... Nhiều đoàn xe hướng về các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Tinh thần tương thân, tương ái, tình đồng chí, nghĩa đồng bào hơn lúc nào hết lại được thắp sáng trong những lúc gian khó. Trong hoạn nạn, nhiều quốc gia, tổ chức và bạn bè quốc tế đã nhanh chóng chia sẻ, hỗ trợ, cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả mưa lũ.

“Mưa bão dù ác liệt đến đâu rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có tình đồng chí, nghĩa đồng bào mãi còn ở lại cùng với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã nói như vậy tại Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra vào ngày 10/9 vừa qua.

WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận năng lượng sạch với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên các đảo dễ bị tổn thương của nước này, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng du lịch quá mức và biến đổi khí hậu.
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.