Di dời người dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm

(Ngày Nay) -  Trước diễn biến phức tạp của hoàn lưu sau bão số 3, một số tỉnh, thành phố đã triển khai phương án di dời người dân tại các khu vực nguy hiểm và chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ khi cần thiết. Mục tiêu là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Bảo đảm an toàn, tính mạng người dân

Di dời người dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm ảnh 1
Việc di dời người dân đến nơi an toàn ưu tiên người yếu thế (người già, phụ nữ có thai, trẻ em…). Ảnh: TTXVN phát

Trước diễn biến mực nước trên các sông qua địa bàn tỉnh vẫn cao trên mức báo động 3, lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương và chính quyền các địa phương tiếp tục khẩn trương di dời người dân khỏi các khu vực nguy hiểm với phương châm bảo đảm sự an toàn, tính mạng người dân là trên hết.

Tại thôn Lấu Khê, xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách, ngày 12/9, mặc dù trời mưa khiến việc hỗ trợ người dân di dời khó khăn nhưng các cán bộ, chiến sĩ công an và các ngành, đoàn thể của xã Hiệp Cát vẫn rất tích cực và khẩn trương với sự phối hợp của người dân trong thôn.

Thôn Lấu Khê có 223 hộ với 850 nhân khẩu. Theo chỉ đạo của huyện, xã Hiệp Cát đã xây dựng phương án di chuyển 57 người già, trẻ em và người yếu thế cùng tài sản của nhân dân trong thôn đến nơi an toàn. Bên cạnh những người được đưa về gia đình người thân để tá túc, một số trường hợp được bố trí tại Trạm Y tế xã là nơi có y bác sĩ túc trực để thuận tiện trong theo dõi và chăm sóc sức khỏe.

Theo Công an xã Hiệp Cát, từ trước khi lũ về, lực lượng công an xã đã phối hợp di chuyển trên 300 con lợn, thu 6 lồng cá để bán chạy cho người dân. Trong những ngày lũ về, đặc biệt là trong ngày 11/9, di chuyển nhiều người già, trẻ em, người yếu thế đến nơi an toàn.

Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Cát Nguyễn Đức Ngọc cho biết, để ổn định đời sống cho bà con, xã đã trích kinh phí chuyển 50 suất quà hỗ trợ các gia đình chính sách, người yếu thế trong thôn. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, đoàn thể hỗ trợ bà con lương thực, rau xanh và kêu gọi một số nhà hảo tâm hỗ trợ mì tôm cùng nhiều nhu yếu phẩm khác. Đến ngày 12/9, xã đã tiếp nhận hàng hóa và nhu yếu phẩm của 19 đơn vị, trong đó có 545 thùng mì tôm, 2127 chai nước lọc, 97 thùng sữa cùng nhiều nhu yếu phẩm khác. Xã cũng đã sẵn sàng phương án di dời trên 800 nhân khẩu nếu tình huống xấu xẩy ra.

Những ngày qua, Thường trực Huyện ủy Nam Sách thường xuyên có mặt trực tiếp, chỉ đạo công tác di dời để đảm bảo an toàn cho người dân và công tác hỗ trợ kịp thời cho người dân Lấu Khê vượt qua khó khăn trong những ngày mưa lũ. Tính đến chiều 12/9, huyện Nam Sách đã di dời được 62 hộ dân với 159 nhân khẩu về nơi tránh lũ an toàn.

Thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, đến chiều 12/9, lực lượng chức năng phối hợp với các địa phương trong tỉnh đã tiến hành di dời được 4.427 hộ dân với 10.540 nhân khẩu.

Chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện công tác di dân về nơi an toàn, ưu tiên người yếu thế (người già, phụ nữ có thai, trẻ em…), Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu lưu ý các địa phương tiếp tục vận động người dân tự di chuyển đến ở nhà người thân những nơi an toàn; yêu cầu người dân chưa quay trở lại nơi ở cũ cho đến khi có thông báo của chính quyền. Các địa phương cũng cần quan tâm đến đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân phải di dời.

Đảm bảo an toàn cho hệ thống đê quốc gia

Di dời người dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm ảnh 2
Đến 9 giờ ngày 11/9, tỉnh Thái Bình thực hiện di dời 464 hộ với trên 1.200 nhân khẩu. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Tại Thái Bình, tỉnh này cũng đã thực hiện di dời khoảng 1.767 hộ với gần 5.000 nhân khẩu sinh sống ở vùng đê bối đến nơi an toàn, trong đó huyện Hưng Hà di dời 264 hộ, 967 nhân khẩu; huyện Vũ Thư di dời 938 hộ, 2.708 nhân khẩu.

Về sản xuất nông nghiệp, hiện toàn tỉnh có khoảng 10.000 ha lúa mùa bị ngập úng. Việc tiêu úng gặp nhiều khó khăn do nước sông lớn. Hiện 18/23 trạm bơm phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn công trình do ngoài sông có lũ báo động.

Đáng chú ý, do lũ lớn trên các sông, đến 17 giờ ngày 12/9 trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã ghi nhận nhiều mạch sủi và hiện tượng thẩm lậu ở một số tuyến đê Tả Trà Lý, đê Hữu Luộc, đê tả Hồng Hà, đê Hữu Hóa tại các huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Vũ Thư. Ngay sau khi phát hiện, lực lượng chức năng cùng nhân dân địa phương đã khẩn trương gia cố, kịp thời xử lý sự cố, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê quốc gia.

Theo đó, hiện tượng thẩm lậu thân đê xảy ra tại K16+400 đê Hữu Luộc, thuộc địa phận xã Điệp Nông (huyện Hưng Hà); thẩm lậu chân đê xảy ra tại K166+300 đến K166+400 đê tả Hồng Hà II thuộc địa phận xã Tự Tân (huyện Vũ Thư) và tại K4+700 đến K4+800 đê Hữu Hóa thuộc địa phận xã An Cầu (huyện Quỳnh Phụ). Mạch sủi cũng xuất hiện tại một số điểm thuộc đê Tả Trà Lý (xã Minh Phú, huyện Đông Hưng).

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, tại một số vị trí trên đê quốc gia cũng đã xuất hiện sự cố rò rỉ, thẩm lậu, giếng phụt, mạch đùn song đã được phát hiện kịp thời. Hiện các lực lượng đang tiếp tục theo dõi và đồng thời duy trì tuần tra, canh gác ngày, đêm theo cấp báo động tại các tuyến đê, sẵn sàng xử lý các sự cố khi có tình huống.

Ngoài ra, lũ lớn cũng gây tràn một số tuyến bờ bao, đê bối. Trong đó, ngày 12/9 ghi nhận đê bối xã Canh Tân (huyện Hưng Hà) bị vỡ với chiều dài 45m. Với phương châm “4 tại chỗ”, chính quyền địa phương đã kịp thời huy động vật tư, phương tiện, lực lượng nhanh chóng xử lý sự cố trên.

Di dời dân tại các xã vùng phân lũ, xả lũ

Di dời người dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm ảnh 3
Người dân xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình chịu ảnh hưởng nặng nề do nước lũ dâng cao. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Chiều 12/9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình ban hành lệnh di dân. Theo đó, 8 xã huyện Nho Quan và 4 xã huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình thuộc vùng phân lũ, xã lũ sẽ phải di dời dân trước 18 giờ ngày 12/9.

Theo báo cáo tình hình hiện nay, mực nước lũ trên sông Hoàng Long và sông Đáy vẫn ở mức trên báo động 3. Vào hồi 14 giờ, ngày 12/9, mực nước trên sông Hoàng Long tại bến Đế đo được là 4,9m.

Theo quy định về quy trình xả tràn, khi lũ trên sông lên 4,9 sẽ thực hiện di dân. Các địa phương đang tiến hành di dân theo quy định để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân khi có tình huống xả tràn xảy ra. Các lực lượng của tỉnh và địa phương 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn đang tổ chức trực ban 24/24h theo dõi chặt chẽ các dự báo về mưa lũ tiếp theo để sẵn sàng ứng phó theo các kịch bản đã được phê duyệt trong công tác vận hành các công trình phân lũ, chậm lũ nhằm đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.

Tỉnh Ninh Bình hiện đã đưa ra 2 kịch bản ứng phó với lũ trên sông Hoàng Long. Theo đó, kịch bản 1, nếu trời hết mưa, mực nước sông Hoàng Long xuống thực hiện phương án tiếp tục tuần tra canh gác trên các tuyến đê nhằm phát hiện các hư hỏng sạt lở có thể xẩy ra khi lũ rút để có biện pháp xử lý. Khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường nhằm phòng chống dịch bệnh.

Kịch bản 2, nếu trời tiếp tục mưa, lũ lên trở lại vượt mức +5,3m tại Bến Đế, tiến hành phân lũ qua Tràn Lạc Khoái. Đối với trường hợp phải xả tràn sẽ tính toán phương án mở các cống ở Tràn Lạc Khoái, phương án mở các tuyến đê có Đức Long - Gia Tường, phân lũ qua cống Mai Phương - Địch Lộng vào Đầm Cút... phù hợp với thực tế.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc Lệnh di dân, hoàn tất trước 18 giờ ngày 12/9. Việc thực hiện di dân là đúng quy trình trong dự lệnh xả tràn và khi mực nước xuống đến 4,9m thì mới được cho dân quay trở về. Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đảm bảo an toàn cao nhất cho tài sản và giao thông đi của nhân dân khi di dời; chính quyền các địa phương chủ động chăm lo đời sống cho nhân dân đảm bảo đủ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu để nhân dân yên tâm sinh hoạt tại nơi di dời. Các đơn vị cần bố trí lực lượng kiểm tra theo dõi đê toàn tuyến, trong đó tập trung đê Hoàng Long, sông Bôi, có phương án xử lý ngay những điểm xung yếu, đảm bảo phương tiện, vật tư, trang thiết bị để thực hiện tuần tra canh gác...

Chống ngập úng cho diện tích lúa và cây trồng

Di dời người dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm ảnh 4
Mưa lớn, kèm theo nước sông Bưởi dâng cao gây ngập lụt nhiều nhà dân tại thị trấn Kim Tân, huyện Thạnh Thành, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn huyện miền núi Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra mưa lớn, cộng thêm nước sông Bưởi dâng cao đã làm 231 hộ dân trên địa bàn bị ngập lụt. Trước tình hình này, UBND huyện Thạch Thành đã di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nước dâng và bố trí nhân lực ứng trực tại các khu vực xung yếu hỗ trợ nhu yếu phẩm người dân đang bị cô lập.

Theo thống kê của UBND huyện Thạch Thành, tính đến nay trên địa bàn có 6 xã đang bị ngập lụt, nước vào nhà dân với 231 hộ bị ngập lụt, gồm Phố Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân gần 100 hộ, xã Thành Trực có 61 hộ, xã Thành Tâm có 17 hộ… Tổng số hộ đã bị ngập lụt sâu đã được sơ tán đến nơi an toàn là 67 hộ.

Ngoài hỗ trợ người dân vùng ngập lụt, UBND huyện Thạch Thành cũng đã chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sông Chu tại huyện Thạch Thành vận hành 6 trạm bơm tiêu úng trên địa bàn huyện để bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Đức Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sông Chu cho biết: Tại huyện Thạch Thành đơn vị đang quản lý 12 hồ chứa nước với mực nước đã tràn, hiện đơn vị đang phối hợp chính quyền đảm bảo an toàn cho công trình và đảm bảo an toàn cho người dân khi đi qua ngầm tràn. Đối với 6 trạm bơm tiêu, công ty đang vận hành tối đa để đảm bảo chống ngập úng cho diện tích lúa và cây trồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành Trần Bá Sơn, UBND huyện đang tiếp tục tổ chức trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ mực nước Sông Bưởi và tình hình ngập úng trên địa bàn huyện để kịp thời ứng phó. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn có các hộ dân ngập lụt phối hợp với các ban ngành liên quan kịp thời cung cấp nhu yếu phẩm, nước uống để hỗ trợ bàn con nhân dân. Thời gian tới, nếu nước sống Bưởi tiếp tục lên cao, UBND huyện sẽ tiếp tục di chuyển các hộ ven sông, để đảm bảo an toàn tính mạng cho dân.

Thủ đô Hà Nội - Đầu tàu dẫn dắt, lan tỏa phát triển kinh tế
Thủ đô Hà Nội - Đầu tàu dẫn dắt, lan tỏa phát triển kinh tế
(Ngày Nay) - Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa và xã hội mà còn là động lực kinh tế quan trọng bậc nhất cho khu vực phía Bắc, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước. Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng hiện đại và phát triển, cùng với sự hội tụ của các nguồn lực kinh tế, Hà Nội đang đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Ảnh minh hoạ.
Đề xuất chuẩn hóa bữa ăn học đường
(Ngày Nay) - Cần tiến tới luật hóa dinh dưỡng học đường và đây sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý, nhà trường, doanh nghiệp chuẩn bị và tuân thủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, quy trình, chuyên môn phục vụ bữa ăn học đường.