Ngày 25/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Chỉ thị 10 về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19. Đây là chỉ thị thứ 3 Thủ tướng ký ban hành kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam.
Theo đó, thời gian qua, hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã được quan tâm, triển khai với các giải pháp quyết liệt, kịp thời, chủ động, đồng bộ. Việt Nam đạt được kết quả bước đầu quan trọng, toàn diện, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao.
Cả nước hiện chỉ có 16 người mắc bệnh và tất cả đã được điều trị hồi phục sức khỏe; 12 ngày qua không ghi nhận ca nhiễm bệnh mới. Các hoạt động giám sát y tế, cách ly người đến từ vùng dịch được thực hiện nghiêm.
Hai trong số ba tỉnh được công bố có dịch (Thanh Hóa, Khánh Hòa) đã đủ các điều kiện công bố hết dịch.
Tuy nhiên, tại nhiều nước trên thế giới, dịch Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp, khó lường, nhất là trong mấy ngày qua tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Iran...
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao thông báo ngay cho Hàn Quốc và các nước đang có dịch các biện pháp phòng chống dịch của Việt Nam, trong đó dừng nhập cảnh với người đến hoặc đi qua vùng dịch. Những người nhập cảnh Việt Nam vì mục đích công vụ hoặc trường hợp đặc biệt phải khai báo y tế và cách ly tập trung 14 ngày.
Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không đến các vùng có dịch, trừ trường hợp cần thiết; nếu vẫn đi thì khi nhập cảnh trở lại Việt Nam phải cách ly tập trung 14 ngày. Bộ vận động người Việt đang sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc, đặc biệt là tâm dịch Daegu và Gyeongsangbuk, tuân thủ hướng dẫn phòng chống dịch của chính quyền sở tại.
Công dân Việt Nam ở các địa phương có dịch của Trung Quốc chỉ được về nước qua cửa khẩu quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người qua lại đường mòn, lối mở ở biên giới.
Thủ tướng giao Bộ Y tế tổ chức cách ly tập trung tại cơ sở y tế với người nghi nhiễm và những trường hợp khác. Bộ Quốc phòng được giao chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nơi tiếp nhận, ăn nghỉ... để cách ly tập trung những người đến từ vùng dịch, nhưng phải giảm mật độ cách ly tại các tỉnh biên giới để đảm bảo không lây nhiễm chéo.
Bộ Công an chịu trách nhiệm thông báo cho Bộ Quốc phòng, Y tế và các địa phương thông tin người từ vùng dịch nhập cảnh Việt Nam để cách ly. Tất cả chuyến bay từ vùng dịch của Hàn Quốc sẽ chuyển hướng hạ cánh tại sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Phù Cát (tỉnh Bình Định) và thành phố Cần Thơ.
Công dân các nước có dịch (cả vùng chưa có dịch của các nước này) khi nhập cảnh Việt Nam phải khai báo y tế bắt buộc.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng phun tiêu độc khử trùng hành lý cho đoàn khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng, trước khi đưa vào khu cách ly ngày 24/2. - Ảnh: Vnexpress |
Thủ tướng giao các địa phương giám sát, theo dõi y tế để kịp thời phát hiện và cách ly người đến từ vùng dịch đã nhập cảnh vào Việt Nam trong 14 ngày qua mà có triệu chứng mắc bệnh; giám sát sức khỏe với công dân đến từ các vùng chưa có dịch của Hàn Quốc.
Trước đó cuối tháng 1/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành hai chỉ thị về việc phòng chống dịch viêm phổi corona.
Tính đến 25/2, trên thế giới ghi nhận trên 80.000 người mắc bệnh dịch Covid-19, 2.699 người tử vong. Ngoài Trung Quốc, dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ ở Hàn Quốc.
Cũng trong ngày 25/2, số người nhiễm virus corona tại Hàn Quốc tiếp tục tăng thêm 84 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm lên đến 977. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cũng cho biết đã có thêm 2 người tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên con số 10.
Hàn Quốc đang là nước có nhiều ca nhiễm nhất ngoài Trung Quốc. Các ca nhiễm mới vẫn tập trung chủ yếu tại 2 ổ dịch lớn nhất là thành phố Daegu và huyện Cheongdo thuộc tỉnh Gyeongsang Bắc lân cận.
Một số quốc gia khác có nhiều người tử vong vì virus corona như Iran 12 người tử vong; Italy 7 người.
Tại Việt Nam, 16 ca nhiễm virus corona đã được chữa khỏi; một người nghi nhiễm đang được cách ly, theo dõi; 6.470 người sức khỏe bình thường nhưng vẫn được cách ly vì có tiếp xúc với người nghi nhiễm.
Hiện nay, nước ta đã có khoảng 30 phòng xét nghiệm có thể xét nghiệm Covid-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Việt Nam có đủ năng lực, đủ sinh phẩm để làm xét nghiệm với độ chính xác xét nghiệm tương đương như các nước.