Đoàn Tuấn, cho biết: “Tôi có thể khẳng định với bạn, dù bạn biết nhiều danh lam thắng cảnh, dù bạn thưởng thức nhiều món ăn hảo hạng, nhưng không có gì thú vị bằng việc được khám phá những điều kỳ lạ về cuộc đời và số phận của con người, nhất là những người từ chiến trận trở về”.
Nhà thơ, nhà biên kịch Đoàn Tuấn đã bắt đầu khám phá cuộc đời, số phận kỳ lạ của những người từ chiến trận trở về bằng tập thơ “Đất bên ngoài Tổ quốc” in chung với bạn thơ, bạn lính Lê Minh Quốc vào năm 1995. Không dừng lại ở những bài thơ, Đoàn Tuấn viết nhiều cuốn sách về đời lính, mà Lê Minh Quốc gọi đó là “sứ mệnh”. Sứ mệnh ấy buộc Đoàn Tuấn phải “đến nơi đến chốn, tham dự vào đó để về sau ghi chép lại một cách tự nguyện với tư cách chứng nhân về thời gian mà mình đã trải qua, đã sống, đã chiêm nghiệm”. Và Đoàn Tuấn “đã hoàn thành một cách xuất sắc” – Lê Minh Quốc, nhận định.
Nhà thơ Đoàn Tuấn |
Lâu nay vẫn có nhiều tác giả viết về cuộc chiến Tây Nam với tư cách người trong cuộc nhưng thường chỉ dừng lại ở một cuốn sách duy nhất. Riêng nhà thơ Đoàn Tuấn đã có nhiều hơn với các tập bút ký: “Mùa linh cảm”, “Một trăm ngày trước tuổi hai mươi”, “Mùa chính chiến ấy”. Là người đọc bản thảo “Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt” và tìm nơi để xuất bản sách cho bạn, nhà thơ Lê Minh Quốc, nhận xét: “Đi lại trên đất của mùa chinh chiến ngày ấy, lần này, Đoàn Tuấn thông qua nhân vật Ánh – một cựu chiến binh quay lại chiến trường K, kỳ lạ thay, anh ấy lại trở thành nhà sư cùng các nhà sư của quê hương Chùa Tháp cất lên tiếng kinh cầu cho linh hồn những người lính, những người dân Campuchia đã ngã vào lòng đất trong cuộc chiến với tâm thế rất thong dong.”.
“Một tuyến truyện khác trong tiểu thuyết là hành trình đi tìm những đồng đội còn sống. Họ trở về đời thường theo những cách không bình thường. Họ có thể hơi ngờ nghệch nhưng đều ánh lên vẻ đẹp của chất người. Một vẻ đẹp hài hước đến xót xa. Mỗi con người đó cũng tương tự một bản kinh. Kinh không lời. Kinh ấy là đời người. Là hoa cỏ của đất đai”. – nhà thơ Lê Minh Quốc, chia sẻ.
Tiểu thuyết “Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt”. |
Nhà thơ Đoàn Tuấn hoàn thành “Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt” với tâm niệm của tấm lòng từ bi, nhân ái, đầy chất suy tưởng như lắng nghe lời hoa cỏ bên đường: “Cỏ đang xanh, cỏ đã úa, cỏ đã cháy, cỏ đang lên, cỏ dưới nước, cỏ trong đầm lầy, cỏ lấm láp bùn, cỏ xác xơ, cỏ hiền trên lối mòn, có nhàu nát dưới bánh xe bò, cỏ mọc trên mái chùa, cỏ tràn dưới gầm xe cháy, cỏ xuyên qua nòng pháo gỉ… tất cả đều thì thầm trò chuyện”.
Trong “Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt”, Đoàn Tuấn viết: “Chiến tranh không chỉ là những đoàn quân ra trận; những bản tổng kết rực rỡ hay những huân, huy chương rạng ngời. Đối với những người lính, họ nhìn chiến tranh bằng cặp mắt khác. Họ soi rõ ngọn ngành từng vụ việc, từng cái chết, từng lần chết hụt, từng chuyện đau lòng. Và chỉ có những người lính chiến mới có thời gian và tâm trạng nhìn từng sự việc nhỏ như vậy. Có những câu hỏi không ai muốn trả lời. Có những câu chuyện buồn không ai muốn gợi lại. Nhưng một cuộc sống trung thực và can đảm không cho phép chúng ta sống hời hợt, đại khái. Một thái độ sống chân chính đòi hỏi chúng ta phải sống kỹ với từng chi tiết của quá khứ, của ký ức”.