Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về nội soi tiêu hóa tại Việt Nam cùng trên 200 bác sĩ các chuyên khoa Nội soi tiêu hóa, Nội - Ngoại tiêu hóa, Chẩn đoán hình ảnh nội soi tiêu hóa…
Theo thống kê từ Tổ chức Ung thư toàn cầu năm 2020, tình hình mắc mới và tử vong do ung thư tại Việt Nam đang tăng nhanh. Trong đó, ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 3 và ung thư dạ dày đứng hàng thứ 4 trong các bệnh ung thư phổ biến. Ung thư sớm đường tiêu hóa là ung thư mới được hình thành ở lớp niêm mạc (lớp nông nhất của ống tiêu hóa/đường ruột).
Khả năng di căn hạch và cơ quan xa hầu như rất thấp. Do đó, đây là giai đoạn vàng để bác sĩ có thể tầm soát và giúp bệnh nhân điều trị hiệu quả, giảm gánh nặng điều trị ung thư ở các giai đoạn muộn. Trong đó, nội soi là những kiến thức, kỹ năng thực hành nội soi, chẩn đoán và điều trị ung thư sớm ở đường tiêu hóa, góp phần nâng cao chất lượng, kết nối và chia sẻ giữa đội ngũ bác sĩ nội soi ở các bệnh viện trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cống hiến vào sự phát triển của nền y tế khu vực.
Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Đức Trí Nhân, Trưởng Trung tâm Nội soi - Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu cho biết: Hiện nay, phương pháp nội soi đã trở thành công cụ đắc lực có độ tin cậy cao để thực hiện tầm soát ung thư sớm ở đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nội soi tầm soát ung thư sớm ở đường tiêu hóa là kỹ thuật phức tạp với độ khó cao, cần hội đủ nhiều yếu tố như hệ thống máy móc trang thiết bị nội soi, trình độ chuyên môn cao và sự phối hợp giữa bác sĩ nội soi và bác sĩ giải phẫu, sự chuẩn bị bệnh nhân kỹ lưỡng, đúng quy trình trước khi nội soi.
Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Đăng Quý Dũng (Chủ tịch Liên chi hội Nội soi tiêu hóa Việt Nam, Trưởng Khoa Nội soi, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Hiện nội soi tầm soát ung thư sớm ở đường tiêu hóa đã có nhiều bước tiến, phát triển vượt bậc. Trong đó có thể kể đến các phương pháp như cắt lạnh polyp bằng thòng lọng qua nội soi; EMR cắt hớt niêm mạc được áp dụng cho cắt các polyp đại tràng không cuống hoặc cuống ngắn, kích thước 0,5 - 3 cm; cắt polyp bằng thòng lọng không sử dụng dòng điện...
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đức Cảnh (Khoa Nội soi, Bệnh viện K Hà Nội): Ung thư là căn bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao, đặc biệt là ung thư tiêu hóa. Thế nhưng bệnh nhân rất dễ bỏ qua vì ở giai đoạn sớm hầu như không có dấu hiệu gì. Người bệnh ung thư nói chung, ung thư tiêu hóa nói riêng, nếu được chẩn đoán phát hiện và điều trị sớm có cơ hội khỏi bệnh và hồi phục nhanh rất cao, có thể đạt trên 95%.
Điều trị bằng phương pháp nội soi giúp bệnh nhân loại bỏ được hoàn toàn khối u với độ xâm lấn thấp nhất, bảo toàn các cơ quan lành xung quanh. Cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi là thủ thuật tiên tiến sử dụng ống nội soi để cắt bỏ chính xác khối u mà không cắt vào cơ quan liên quan, bảo toàn nguyên vẹn ống tiêu hóa.
Bác sĩ Trần Đức Cảnh khuyến cáo mọi người từ trên 40 tuổi nên tầm soát tối thiểu 2 năm/lần; những người có yếu tố nguy cơ cao như tiền sử gia đình, môi trường làm việc… thì nên tầm soát sớm từ năm trên 20 tuổi. Các dấu hiệu sớm mọi người nên lưu ý và nghĩ tới việc tầm soát ung thư tiêu hóa là tình trạng đau bụng, rối loạn tiêu hóa kéo dài hơn 2 tuần không khỏi…
Thực hành trên mô hình các kỹ thuật, quy trình nội soi chẩn đoán và phát hiện ung thư sớm ở đường tiêu hóa. |
Bên cạnh những thông tin cập nhật về các phương pháp tiên tiến trong nội soi phát hiện và điều trị ung thư tiêu hóa sớm, các đại biểu còn giới thiệu các máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ đắc lực cho các bác sĩ trong quá trình phẫu thuật. Tuy vậy, các chuyên gia đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc các bác sĩ phải học hỏi nâng cao tay nghề liên tục để có thể làm chủ được máy móc; phải trau dồi y đức để luôn đặt lợi ích của bệnh nhân lên hàng đầu, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp và hữu hiệu nhất đối với từng ca bệnh cụ thể.
Tại hội thảo, các đại biểu còn được tiếp cận và thực hành trên mô hình các kỹ thuật, quy trình nội soi chẩn đoán, phát hiện ung thư sớm ở đường tiêu hóa bằng hệ thống máy nội soi hiện đại, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia đầu ngành.