Kính gửi bác Y tế,
Giữa lúc bác đang bộn bề công việc như thế, chẳng biết lá thư nhỏ nhoi của một người dân bình thường có đến tay bác được không. Nhưng niềm hi vọng thì nên nắm giữ chứ buông tay ra thì biết bám víu vào đâu?
Nên tôi quyết định ngồi đây, gõ bức “tâm tình” này cho bác thay vì hòa vào dòng người đang xôn xao ngoài kia với quyết định tăng giá dịch vụ y tế đã có hiệu lực từ ngày 1/3.
Trong khi giá xăng đang đà giảm cùng lộ trình tăng lương tối thiểu vào tháng 5/2016 chưa kịp làm người ta mừng vui thì bác đã dội nguyên một gáo nước lạnh vào người dân chúng tôi khi chi phí khám chữa bệnh tăng vọt theo thế “nhảy cóc” chứ chẳng thèm “leo thang từng bậc”.
Đương nhiên, những người thuộc giới “thượng lưu” sẽ chọn các phòng khám dịch vụ hoặc sang hơn là đáp máy bay ra nước ngoài chữa bệnh. Người nghèo lại không bị ảnh hưởng gì nhiều với con số 30-50% ấy bởi họ sẽ được miễn phí hoàn toàn.
Từ ngày 1/3, giá dịch vụ y tế sẽ tăng từ 2 đến 5 lần. Ảnh: Internet.
Còn những người không giàu, chẳng nghèo như chúng tôi thì lo sốt vó lên vì lương thì tăng từng tí mà giá khám chữa bệnh lại tăng đột biến. Giờ đây đúng là tôi chẳng dám ước gì, chỉ dám ước đừng bao giờ phải vào bệnh viện.
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho Bộ Y tế, trong đó, phổ biến nhất là: “Chi phí dịch vụ y tế tăng có kéo theo chất lượng khám chữa bệnh không?”. Câu trả lời đương nhiên sẽ là: “Tất nhiên rồi, tăng chứ!”
Nhưng tôi lo lắm, lo đó chỉ là lời “trót lưỡi đầu môi”. Bởi giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Những góc khuất vẫn tồn tại lâu nay trong nhành y khó mà thay đổi được.
Đầu tiên phải kể đến qui trình “chờ lâu, khám nhanh”. Đó thật sự là một cực hình đối với người bệnh. Người đi khám BHYT luôn chuẩn bị sẵn tâm thế chờ đợi: Chờ nộp tiền và thẻ BHYT, chờ lấy số thứ tự khám, chờ gọi tên, chờ xét nghiệm, chờ lấy kết quả xét nghiệm, chờ nhập dữ liệu và nhận sổ, chờ nộp sổ lấy thuốc,…
Người không bệnh chờ đúng quy trình còn muốn đổ bệnh. Huống gì là người đã mang bệnh trong người.
Tuy nhiên, đáp lại công sức đợi chờ, chầu chực ấy là một cách khám “siêu nhanh” của một số bác sĩ, chẩn đoán bệnh và kê đơn chưa đầy một phút. Người bệnh còn chưa kịp khai báo triệu chứng, trình bày thắc mắc thì đã bị “đuổi” ra để người tiếp theo vào.
Cứ thế người ta dần mất lòng tin và uể oải nghĩ đến các đợt khám BHYT. Nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận sống chung với cảnh chen chúc, đợi chờ ấy thôi bởi làm gì có lựa chọn khác.
Mà cũng chẳng trách được các bác sĩ. Số lượng bệnh nhân luôn quá tải, mỗi bàn khám tiếp nhận từ 80-100 người bệnh mỗi ngày. Không khám nhanh thì bao giờ mới giải quyết hết số người đang ủ rũ ngoài kia. Nhưng giá như các bác quan tâm hơn một tí, khám kĩ hơn một tí, nhẹ nhàng hơn một tí để lòng chúng tôi yên tâm thì tốt biết bao nhiêu!
Thêm vào đó là danh mục thuốc mà BHYT cấp phát cho bệnh nhân luôn có sự hạn chế cả về số lượng (thậm chí chất lượng). Đôi khi, muốn mua thuốc đúng bệnh, dùng thuốc đúng ý, chúng tôi đều phải bỏ thêm tiền túi ra !
Hai điều trên chỉ là một phần nhỏ trong muôn mặt bất cập khi khám chữa bệnh bằng BHYT. Để tiến tới BHYT tự nguyện toàn dân, thiết nghĩ các bác cần phải hành động ngay để dẹp bớt cảnh đợi chờ, giảm bớt sự quá tải và tăng chất lượng khám chữa bệnh cho người dân chúng tôi.
Chi phí khám chữa bệnh dù có cao thế nào thì người dân chúng tôi vẫn phải chấp nhận. Chỉ là mong muốn, khao khát một điều: Cái bắt tay của giá dịch vụ y tế và chất lượng khám chữa bệnh phải thực chất!
“Lượng” đã tăng vọt nhanh chóng như vậy thì “chất” cũng phải dần tịnh tiến đi lên chứ!
Kính bác!
Một người dân bình thường