Tập hợp nhân dân thực hiện tốt các chương trình hành động

(Ngày Nay) - Với vai trò là đại diện của quần chúng, 5 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, đảm bảo sự thống nhất cao về tư tưởng trong việc triển khai thực hiện các chương trình hành động, góp phần củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hướng tới mục tiêu giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia và ổn định xã hội, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước.
Tập hợp nhân dân thực hiện tốt các chương trình hành động

Phát huy dân chủ, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân

Nhiệm kỳ 2019 - 2024, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung triển khai thực hiện 5 chương trình hành động, gồm: Tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vận động nhân dân thi đua học tập, lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước.

Thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân. Tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Quán triệt thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất và ổn định xã hội. Nội dung, phương thức tập hợp có nhiều đổi mới, kết hợp giữa tuyên truyền, vận động, phát triển tổ chức với vận động nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; giữa truyền thông đại chúng với vận động cá nhân, tiếp cận tới mọi thành phần, đối tượng để tập hợp, đoàn kết nhân dân.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã phối hợp với chính quyền tăng cường tuyên truyền, vận động thực hiện công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của đồng bào các dân tộc; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Việc vận động, tập hợp, đoàn kết các tôn giáo được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên chú trọng, thể hiện được vai trò trong vận động đoàn kết các tôn giáo... Hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

Ấm tình đồng chí, nghĩa đồng bào

Hưởng ứng phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động, 5 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cùng các cấp, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, phương thức vận động, giúp đỡ đã có nhiều đổi mới, trong đó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa vận động các nguồn lực ủng hộ Quỹ Vì người nghèo các cấp, vừa hướng dẫn để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trực tiếp hỗ trợ người nghèo; hiệp thương để mỗi tổ chức chính trị - xã hội nhận giúp đỡ các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hằng năm, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động tháng cao điểm "Vì người nghèo" và tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp "Cả nước chung tay vì người nghèo", qua đó kêu gọi, khơi dậy những tấm lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp chung tay giúp đỡ người nghèo. Các tổ chức thành viên có nhiều chương trình hoạt động, kêu gọi, vận động xã hội chăm lo, giúp đỡ đoàn viên, hội viên, người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Phát huy truyền thống "tương thân tương ái", Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã kịp thời triển khai các hoạt động cứu trợ, nhân đạo từ thiện, vận động giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng do dịch bệnh, bị thiệt hại do thiên tai, hoạn nạn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì phát động, kêu gọi, vận động và kịp thời phân bổ các nguồn hỗ trợ để chia sẻ, giúp đỡ đồng bào chịu thiệt hại do thiên tai gây ra và các trường hợp gặp sự cố nghiêm trọng; nhất là các đợt bão lũ ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, hạn mặn ở các tỉnh Tây Nam Bộ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh khu vực miền Trung và miền núi phía Bắc, các vụ hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng tại một số địa phương.

Vừa qua, siêu bão số 3 (Yagi) - cơn bão lịch sử chưa từng có trong mấy chục năm qua, đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở 26 tỉnh, thành phố phía Bắc. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở Việt Nam chia sẻ, giúp đỡ về tinh thần, vật chất, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước nhanh chóng khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất và bảo đảm đời sống của Nhân dân.

Đến hết ngày 29/9, Ban Vận động Cứu trợ Trung ương đã tiếp nhận được số tiền ủng hộ là 1.845 tỷ đồng. Lần đầu tiên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo kịp thời việc sao kê, công khai, minh bạch các nguồn ủng hộ và phân bổ kịp thời tới các địa phương chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề từ cơn bão, qua đó nhận được sự đồng tình, ủng hộ, biểu dương lớn từ các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, nhân lên gấp bội tình đồng chí, nghĩa đồng bào thảo thơm, ấm áp.

Được triển khai từ năm 2003, sau 20 năm, đến nay Ngày hội Đại đoàn kết đã trở thành hoạt động góp phần củng cố, tăng cường sự gắn kết mật thiết giữa các tổ chức, hộ gia đình và người dân ở khu dân cư; phát huy truyền thống đại đoàn kết, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống; động viên cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân đóng góp công sức tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự của địa phương. Ngày 18/11 hằng năm đã trở thành ngày hội lớn tại các khu dân cư trên khắp mọi miền đất nước, được đón chờ trong niềm vui hân hoan và tình yêu thương sẻ chia của các tầng lớp nhân dân.

Sau 20 năm thực hiện, cả nước đã có trên 87% số khu dân cư tổ chức Ngày hội, có trên 75% số khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội; trên 62% số khu dân cư tổ chức "Bữa cơm đại đoàn kết"; tỷ lệ hộ gia đình ở từng khu dân cư tham dự Ngày hội đạt trên 70%. Đã có 731 lượt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tham dự Ngày hội tại hơn 1.650 khu dân cư thuộc 63/63 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, những phong trào, cuộc vận động như "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thi đua "Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế"... được Mặt trận các cấp tích cực triển khai, trở thành những phong trào, cuộc vận động mang tính toàn dân, toàn diện, phổ biến trong cộng đồng, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, qua đó thực hiện tốt phương châm "lấy sức dân để chăm lo cho đời sống nhân dân".

Bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, hưởng ứng các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên đã chủ động, sáng tạo, phát động, triển khai sâu rộng các phong trào thi đua trong các đoàn viên, hội viên. Điển hình, trong công nhân có phong trào "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo", "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"; "Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động"; trong nông dân có phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; trong thanh niên có phong trào "Thanh niên tình nguyện", "Tuổi trẻ sáng tạo", "Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc"...

Việc triển khai các chương trình hành động cũng như phát động các phong trào, hoạt động nhánh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua yêu nước, ý chí tự lực, tự cường trong các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong 5 năm qua, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.