Theo thông tin đăng tải trên Zing.vn, vào khoảng 17h ngày 29/6, ngành đường sắt đã hoàn tất việc cứu hộ tàu SE3 để thông tuyến đường sắt đoạn qua địa phận Đà Nẵng.
Trước đó, vào khoảng 11h cùng ngày, tàu SE3 lưu thông hướng Hà Nội - TP.HCM bất ngờ trật bánh khỏi đường ray ở khu vực đèo Hải Vân thuộc địa phận TP. Đà Nẵng.
Thông tin trên VnExpress, ông Nguyễn Văn Tý - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng (đơn vị quản lý đoạn đường tàu gặp nạn) cho biết, khi tàu trật bánh, lái tàu nhận ra sự cố nên nhanh chóng và dừng kịp thời. Toa tàu trật khỏi đường ray khoảng 10cm.
Sự cố khiến nhiều toa tàu phía sau đoàn tàu mất điện, hành khách phải chờ đợi trong oi nóng. - Ảnh: Tiền Phong |
Ngành đường sắt đưa các hành khách xuống ga Đà Nẵng lên 3 xe phía đầu đoàn tàu, sau đó đưa tàu cứu viện kéo thẳng về ga Đà Nẵng trả khách đồng thời đón luôn khách đi SE3 lên tàu tại ga Đà Nẵng. Toàn bộ khách còn lại trên tàu được đưa xuống 9 xe phía cuối đoàn tàu và kéo về ga Lăng Cô.
Sự cố trật bánh đã làm một số chuyến tàu bị chậm giờ như SE10 chờ tại ga Hải Vân Nam. Lập tàu 9461 kéo tàu SE10 ngược về ga Kim Liên; SE1, SE19 chờ tại ga Lăng Cô; SE4 chờ tại ga Kim Liên; SE2 đã về ga Đà Nẵng; SE17 chờ tại ga Thừa Lưu, theo Vietnamplus.
Một số hành khách xuống ga Đà Nẵng được đưa về 3 toa đầu đoàn tàu để đi tiếp về Đà Nẵng, số hành khách còn lại được đưa về các toa phía sau để trở lại Huế. Ảnh: Tiền Phong |
Sau tai nạn, đoàn tàu cắt toa số 4. Đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn suốt thời gian khắc phục sự cố trên đèo. Đến 17h, đường sắt đã thông tuyến trở lại.
Xác nhận với Tiền phong, ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho hay, tỷ lệ tàu trật bánh nửa đầu năm nay có gia tăng hơn. Đặc biệt, nếu các năm trước, tàu trật bánh chủ yếu tàu hàng thì năm nay gia tăng tàu khách gặp sự cố trật bánh. Các vụ trật bánh trong thời gian qua đã gây thiệt hại về người, tài sản, ách tắc giao thông đường sắt.
Cụ thể, ngày 27/1, tàu khách số SE1 tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh bị trật bánh khỏi đường ray khi chạy qua ghi 102 ga Sông Lòng Sông (thuộc xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).
Ngày 14/2, tàu khách số TN7 đến khu vực giao nhau với đường bộ Đồng Khởi thuộc phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị trật bánh khỏi đường ray.
Ngày 18/2, tàu hàng số SBN1 bị trật bánh tại khu gian Mỹ Lý-Quán Hành (thuộc địa bàn xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Sau đó, một ngày (ngày 19/2), tàu hàng số AH2 bị trật bánh tại ga Suối Kiết (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận).
Tới ngày 20/4, tàu SE7 bị trật bánh tại Km 1376+000 khu gian Ngã Ba-Cà Rôm (thuộc xã Cam Thịnh Đông, Cam Ranh, Khánh Hòa). Ngày 22/4, tàu SE8 bị trật bánh tại Km 1374+770 khu gian Ngã Ba-Cà Rôm (thuộc xã Cam Thịnh Đông, Cam Ranh, Khánh Hòa).
Đến ngày 13/5, tàu HH4 bị trật bánh tại Km 81+680 khu gian Nam Định-Đặng Xá (xã Mỹ Hưng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định), báo điện tử VOV thông tin.