Thông tin trên được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Đào Minh Tú cho biết tại buổi họp báo về đáp ứng nhu cầu tiền mặt và đảm bảo hoạt động ATM trong dịp Tết Nguyên đán.
Ba năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chủ trương không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ lẻ vào lưu thông dịp Tết, chẳng hạn năm 2013 không in tiền mới mệnh giá 500 đồng, năm 2014 là tiền 1.000 - 2.000 đồng và năm nay sẽ là tiền 5.000 đồng.
Tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục Phát hành Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Chí Thành cho biết, hiện nay, để tiết kiệm chi phí, Ngân hàng Nhà nước không in các loại tiền mệnh giá nhỏ. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, NHNN chủ trương không in các loại tiền mệnh giá nhỏ vào lưu thông.
“Theo tính toán, nếu tiếp tục không đưa tiền mới từ 5.000 đồng trở xuống trong dịp Tết nguyên đán 2015 sẽ giúp NHNN tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng. Do đó, NHNN mong muốn được nhân dân ủng hộ đối với chủ trương sử dụng đồng tiền Việt Nam một cách hợp lý, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và tiết kiệm chi phí xã hội”, ông Thành nói.
Về mặt kinh tế, theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước tại 3 tỉnh, thành phố có nhiều lễ hội như Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh, việc không in tiền mới mệnh giá nhỏ lẻ đã giúp tiết kiệm hơn 1.000 tỷ đồng trong ba năm qua (năm 2013 khoảng 94 tỷ đồng, năm 2014 khoảng 408 tỷ đồng và năm 2015 ước tính là 580 tỷ đồng).
Vẫn liên quan đến tiền lẻ, tiền mới trong dịp Tết, ông Tú đặc biệt lưu ý, năm nay có một quy định mới là Ngân hàng nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để kiểm soát chặt tình trạng đầu cơ, đổi tiền lẻ mới để ăn chênh lệch. “Theo Nghị định số 96, hành vi này sẽ bị xử phạt 20 - 40 triệu đồng”, ông Tú khẳng định.