Ứng dụng TikTok, vốn được hơn 150 triệu người Mỹ sử dụng và thuộc sở hữu của "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc ByteDance, đã phải đối mặt với hàng loạt lời kêu gọi tẩy chay từ các nhà lập pháp Mỹ do lo ngại về khả năng chụy ảnh hưởng từ chính phủ Trung Quốc.
Mới đây nhất, Thị trưởng thành phố New York Eric Adams cho biết trong TikTok "gây ra mối đe dọa an ninh đối với các mạng kỹ thuật của thành phố".
Các cơ quan của Thành phố New York được yêu cầu xóa ứng dụng trong vòng 30 ngày và nhân viên sẽ mất quyền truy cập vào ứng dụng cũng như trang web của ứng dụng trên các thiết bị và mạng thuộc sở hữu của thành phố. Bang New York đã cấm TikTok trên các thiết bị di động công.
TikTok cho biết họ "đã không chia sẻ và sẽ không chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ với chính phủ Trung Quốc, đồng thời đã thực hiện các biện pháp quan trọng để bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của người dùng TikTok".
Các quan chức an ninh hàng đầu của Mỹ, bao gồm Giám đốc FBI Christopher Wray và Giám đốc CIA William Burns, nói rằng TikTok đặt ra một mối đe dọa.
Vào tháng 3, người đứng đầu FBI cho biết chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng TikTok để kiểm soát phần mềm trên hàng triệu thiết bị và thúc đẩy các vấn đề gây mâu thuẫn trong xã hội Mỹ.
Cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2020 đã tìm cách cấm người dùng mới tải TikTok, nhưng một loạt quyết định của tòa án liên bang đã ngăn lệnh cấm có hiệu lực.
Nhiều tiểu bang và thành phố của Mỹ đã hạn chế TikTok trên các thiết bị của chính phủ. Montana gần đây đã thông qua dự luật cấm ứng dụng trên toàn tiểu bang, một quy tắc được thiết lập để có hiệu lực vào ngày 1/1 và đang bị thách thức về mặt pháp lý.