Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã triển khai quy chế làm việc, tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát và quyết liệt để thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 do UBDT tổ chức sáng 12/7.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 do UBDT tổ chức sáng 12/7.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh, 6 tháng đầu năm, cấp ủy chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành phối hợp ban hành văn bản cụ thể hóa các hướng dẫn của Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi (MTQG DTTS&MN) theo hướng tăng cường phân cấp cho cấp huyện và xã, đồng thời tiến hành rà soát, phân bổ nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án theo kế hoạch năm.

Các tỉnh đều đã ban hành quyết định kế hoạch thực hiện chương trình, chính sách, phân công trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, đơn vị. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho một số địa bàn không thuộc diện đầu tư Chương trình MTQG DTTS&MN, một số tỉnh đã ban hành các chính sách đặc thù đối với các đối tượng chưa được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội và các chính sách đặc thù khác phù hợp với điều kiện của địa phương.

Về kết quả thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc (CSDT) do UBDT quản lý, về kế hoạch vốn thực hiện Chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã giao 49.555,593 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương (NSTW) giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương thực hiện Chương trình MTQG DTTS&MN; đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ.

Số vốn của chương trình từ NSTW năm 2023 là 26.433,812 tỷ đồng (gồm 11.816,812 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 14.617,000 tỷ đồng vốn sự nghiệp). Đến thời điểm báo cáo, các địa phương được giao kế hoạch NSTW đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển, dự toán NSNN năm 2023 của 3 chương trình MTQG (bao gồm Chương trình MTQG DTTS&MN) cho các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc.

Theo tổng hợp từ các địa phương, đến thời điểm 31/5/2023, kết quả giải ngân nguồn vốn được giao giai đoạn 2021 - 2023 thực hiện Chương trình là 7.852.164 triệu đồng, mới đạt 18,54%...

Nhìn thẳng vào thực tế, lãnh đạo UBDT thừa nhận đối với vùng DTTS&MN bên cạnh những kết quả đạt được thì vùng DTTS&MN vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và nhiều vấn đề bức xúc cần được tiếp tục giải quyết trong giai đoạn hiện nay, đó là: Kinh tế chậm phát triển so với tiềm năng của vùng và chưa bền vững; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) vẫn còn thiếu và yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đời sống của đồng bào vùng DTTS&MN còn nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng không cao, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao so với tỷ lệ chung cả nước. Công tác xóa đói giảm nghèo đã có nhiều thành tựu lớn, song giảm nghèo còn chưa bền vững; chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào DTTS với mặt bằng chung cả nước chậm được thu hẹp.

Chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng DTTS&MN vẫn còn thấp. Việc thực hiện một số chính sách ưu đãi về giáo dục cho vùng DTTS&MN thu được những kết quả nhất định nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, nguồn cán bộ cho sự phát triển bền vững của vùng DTTS&MN...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho rằng: Trong chỉ đạo, điều hành; công tác tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các vụ, đơn vị trực thuộc UBDT đôi lúc còn chậm, chất lượng tham mưu chưa cao, nhất là tham mưu trong xây dựng kế hoạch vốn chưa phù hợp. Tiến độ xây dựng các Thông tư, văn bản hướng dẫn, quy định cơ chế tổ chức thực hiện và triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, trong đó có Chương trình MTQG vùng DTTS&MN nhìn chung vẫn còn chậm. Việc chấp hành Quy chế làm việc ở một số vụ, đơn vị có lúc còn chưa nghiêm; có bộ phận cán bộ, công chức làm việc chất lượng tham mưu chưa cao.

Trong thực hiện công tác dân tộc ở địa phương, việc tổ chức thực hiện chương trình MTQG DTTS&MN tiến độ vẫn còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, quá trình thực hiện vẫn còn phát sinh một số khó khăn vướng mắc. Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện CSDT ở một số địa phương còn chưa sâu sát, chậm phát hiện các khó khăn, vướng mắc, bất cập, sai sót.

Công tác theo dõi, tổng hợp, báo cáo đánh giá tình hình vùng DTTS&MN và kết quả thực hiện các CSDT ở nhiều địa phương còn hạn chế; chất lượng thông tin báo cáo chưa đầy đủ và kịp thời, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành chung. Việc xây dựng tổ chức, bộ máy và cán bộ làm CTDT ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Đội ngũ cán bộ cơ sơ nhiều nơi còn yếu, chất lượng cán bộ chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ.

“Tôi khẳng định lại một lần nữa là CTDT và CSDT là nhiệm vụ lớn của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Trong đó cơ quan làm CTDT chỉ là cơ quan tham mưu, cơ quan phối hợp và cơ quan đôn đốc, kiểm tra, tiếp nhận ý kiến để phản ánh, kiến nghị đến các cấp, các ngành, các cơ quan thẩm quyền để xử lý”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh khẳng định.

Nói về vấn đề bộ máy cũng như năng lực công tác của cơ quan làm CTDT các cấp, đồng chí Hầu A Lềnh cho rằng hiện nay do biên chế ít, thiết kế bộ máy chưa hoàn thiện. Hiện mới có 46/51 tỉnh, thành phố có Ban Dân tộc cấp tỉnh, chỉ có hơn 270/713 huyện có Phòng Dân tộc cấp huyện; trong đó có 5 tỉnh không có Ban Dân tộc mà thành lập Phòng Dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Còn các huyện không có Phòng Dân tộc thì chỉ cử một đồng chí chuyên viên. “Như vậy, về bộ máy thì cũng không thể hoàn thiện”, đồng chí Hầu A Lềnh nói.

Tại Hội nghị sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 do UBDT tổ chức sáng 12/7 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, một số tỉnh kiến nghị UBDT cần tham mưu cho các cấp và Chính phủ đẩy nhanh tiến độ 3 chương trình MTQG DTTS&MN, quan tâm đầu tư cho vùng đồng bào DTTS&MN… Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cơ bản đồng ý với các ý kiến của địa phương kiến nghị.

Đồng chí Hầu A Lềnh cho rằng có những dự án, có những nội dung không có đối tượng để triển khai, và có những nội dung chưa làm được thì đã hoàn thành mục tiêu. Có những nội dung không thể triển khai được do vướng cơ chế, vướng luật. “Như vậy có nghĩa là từ lúc chúng ta xây dựng kế hoạch nhưng không tính đến chuyện này. Bắt đầu từ khâu đánh giá, khảo sát, rà soát ban đầu để xây dựng kế hoạch. Cho nên bây giờ chúng ta phải báo cáo với Quốc hội, báo cáo Chính phủ để rà soát tổng thể xem những dự án, chương trình, nội dung nào triển khai có hiệu quả và có những khâu cần phải tháo gỡ để triển khai”, đồng chí Hầu A Lềnh nói.

Trong những tháng cuối năm, UBDT tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với phương châm sâu sát, quyết liệt. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kết quả nhiệm vụ gắn với trách nhiệm và quyền hạn cụ thể. Đẩy mạnh kiểm tra Quy chế làm việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện công vụ của cán bộ, công chức. Tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa các vụ, đơn vị, với Ban Dân tộc các địa phương.

Phát huy vai trò của người đứng đầu. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức, nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục rà soát đội ngũ cán bộ, công chức các vụ, đơn vị để bố trí, sắp xếp công chức, người lao động phù hợp với chuyên môn, năng lực, trình độ của mỗi người tương ứng với vị trí việc làm. Thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công vụ...

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).