Cũng đã có những thời gian tôi khá tiêu cực, thậm chí chán nản, thậm chí thù hận, nhưng rồi theo quy luật mọi thứ cũng qua, mình từ chỗ chấp nhận đến đón nhận, từ chỗ bi quan tới lạc quan, từ chỗ hằn học tới vị tha, và cuối cùng là vui vẻ, vui vẻ trong lý luận của mình, trong không gian trí tuệ nhận thức của cá nhân mình.
Không cưỡng được nữa thì phải vui chứ sao lại để phí được?
Tôi thích đưa các clip của con trai mình lên mạng xã hội hay mạnh dạn đưa con mình ra ngoài đời sống thực bởi nhiều nguyên nhân chứ không chỉ là tình yêu phụ tử đơn thuần, bởi tôi biết, suy cho tận cùng thì, một trong những lý do lớn nhất mà những đứa bé như con tôi ngày càng co cụm lại, hao mòn đi, ấy là bởi tâm lý cất giấu của các bậc cha mẹ. Tôi đã từng như thế, và tôi thấy cuối cùng cái sự cất giấu đó chẳng giải quyết được gì cả ngoài việc chúng ta càng ngày càng đẩy các cháu vào cô đơn.
Có những khi đi học về, con tôi nổi cơn và lao vào cắn xé tôi ngay khi bố đang lái xe. Tình huống đó đành phải nghiến răng chịu đau kệ cho cắn, cố gắng tấp xe vào lề đường và kiên nhẫn xoa dịu hay dỗ dành con, người tôi đầy vết cắn, người vợ tôi cũng đầy vết cắn, đến mức đi làm hay đi học đành phải mặc áo dài để che lại, kẻo người ta nhìn thấy lại hiểu nhầm sang đủ thứ chuyện khác.
Và sau chừng ấy thời gian, suốt ngày chơi ở công viên, xem các cụ già oánh bóng chuyền hơi cuối ngày, thoải mái lắc lư nghe nhạc từ điện thoại, không bị gò bó trong một môi trường nhà ống khép kín bốn bức tường, con trai của tôi đã tiến bộ lên rất nhiều, cháu không còn hung dữ tấn công người khác nữa, đã hiền hòa hơn, biết nựng các em, biết thơm bố mẹ, biết thực hiện những yêu cầu cơ bản như đi ngủ, lấy điều khiển tivi, kéo chăn đắp, và đặc biệt là có khả năng ghi nhớ và hát hò ở bất cứ loại hình âm nhạc nào.
Đêm hôm qua, tôi còn hướng dẫn lại cháu ngâm thơ, nếu như ông Quang Dũng sống lại hẳn ông sẽ khoan khoái biết chừng nào khi ông thấy tuyệt phẩm “Đôi mắt người Sơn Tây” của mình được ngâm bởi một cậu bé bất cần đời như thằng con tôi.
Từ những nhìn nhận đó, tôi dù không hề có một chuyên môn hay nghiệp vụ gì cả về giáo dục đặc biệt, tôi chỉ có tình cảm của một người cha và khả năng duy trì một đời sống hết sức bình thường cho một gia đình bình thường, nhưng tôi luôn suy nghĩ về một không gian chơi cho các cháu nhỏ như con tôi. Nơi đó chúng phải được học dưới tán cây, dưới nắng, dưới gió, học trong công viên, trong vườn hoa, được chăm rau, được bắt cá, được nặn đất, được hát hò nghêu ngao thoải mái, được xa lìa việc học hành sách vở thuần túy, và được nhìn nhận bằng sự tôn trọng, công bằng.
Tôi thấy rằng chả việc gì phải hòa nhập với cộng đồng cả, vì chúng nó có thế giới riêng của chúng nó, có tiêu chuẩn riêng, có ngôn ngữ riêng, có nhu cầu riêng, cộng đồng có muốn thì hòa nhập vào, bước vào chơi với chúng nó, chứ cộng đồng không thể đứng ở một vị thế nào đó để mong muốn chúng phải hòa nhập với mình được.
Như một vị giáo sư đã từng nói với tôi, nếu đặt trong một tiêu chuẩn chung nào đó, thì những đứa bé này nó nằm ở chữ “bất tiện” chứ không phải là “bất lợi”, ta nhìn chúng ở chữ nào thì ta sẽ vận hành theo lối nhìn đó mà thôi. Và bất tiện hay bất lợi là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.