Theo các cơ quan thiên văn, Mặt trăng bắt đầu mờ dần vào lúc 6h02 giờ GMT (tức 13h02 giờ Việt Nam) khi Mặt trăng đi vào vùng bóng của Trái đất, hay còn gọi là penumbra. Một giờ sau đó, Mặt trăng sẽ xuất hiện với hình ảnh "như thể bề mặt bị cắt một phần lớn" khi đi vào vùng bóng tối.
Vào lúc 8h45 giờ GMT (15h45 giờ Việt Nam), Mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ và màu sắc này sẽ trở nên sống động nhất trong 18 phút sau đó. Sau đó Mặt trăng dần đi ra khỏi vùng tối và tiếp tục hành trình quay quanh Trái đất.
Toàn bộ quá trình dự kiến sẽ mất hơn 3 giờ 28 phút, dài hơn 1 giờ 48 phút so với lần nguyệt thực năm 2018. Đây sẽ là hiện tượng nguyệt thực một phần dài nhất kể từ năm 1440.
Cảnh tượng trên có thể quan sát được tại toàn bộ khu vực Bắc Mỹ, cũng như một phần Nam Mỹ, Polynesia, Australia và Đông Bắc Á.
Màu đỏ của Mặt trăng, hay còn gọi là "Trăng máu", xuất hiện do hiện tượng "tán xạ Rayleigh", trong đó các sóng ánh sáng xanh ngắn hơn từ Mặt trời bị phân tán bởi các hạt trong bầu khí quyển Trái đất, trong khi các sóng ánh sáng đỏ dài hơn sẽ dễ dàng truyền qua các hạt này.
Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), càng nhiều bụi hoặc mây trong bầu khí quyển của Trái đất trong thời gian diễn ra nguyệt thực, Mặt trăng càng trở nên đỏ hơn. Cảnh tượng được ví như tất cả bình minh và hoàng hôn trên Trái đất được phản chiếu lên Mặt trăng.
Tuy nhiên, NASA cho biết những người quan sát Mặt trăng sẽ không phải chờ đợi lâu bởi hiện tượng nguyệt thực toàn phần dài hơn sẽ xuất hiện vào ngày 8/11/2022 và có thể quan sát tốt bằng mắt thường mà không cần thiết bị đặc biệt như khi quan sát hiện tượng nhật thực.