Đó là một trong những nội dung của kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TPHCM năm 2018-2019 do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Thanh Liêm mới ký ban hành.
Chương trình bình ổn thuốc được triển khai từ tháng 4/2018 đến 31/3/2019. Theo đó, Chương trình sẽ có 21 nhóm thuốc thiết yếu sản xuất trong nước với 176 hoạt chất, 531 mặt hàng đảm bảo chất lượng. Số lượng thuốc bình ổn chiếm 50% nhu cầu của các nhóm thuốc thiết yếu người dân sử dụng trong năm.
Chương trình năm nay cũng sẽ mở rộng thêm 176 điểm bán thuốc bình ổn, nâng tổng số điểm bán thuốc bình ổn lên 4.192 nhà thuốc, trong đó có 3.425 nhà thuốc tư nhân, 120 nhà thuốc bệnh viện và 647 nhà thuốc, đại lý thuốc doanh nghiệp. Giá bán của các nhóm thuốc bình ổn thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại (cùng biệt dược) trên thị trường ít nhất là 5-10%.
Thuốc nằm trong Chương trình là những thuốc trị các bệnh thường gặp, bệnh mạn tính, người dân có nhu cầu sử dụng nhiều như: Thuốc giảm đau-hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, đau dạ dày, ho-hen phế quản, tim mạch, tiểu đường, kháng sinh, kháng viêm, nhỏ mắt, thấp khớp, vitamin-khoáng chất, cải thiện tuần hoàn não, chống rối loạn tâm thần, thuốc dùng ngoài, trị nấm, thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu…
Các loại thuốc trong Chương trình là thuốc sản xuất trong nước tại các nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO; được phân phối đến người bệnh, đặc biệt người có thu nhập và điều kiện sống thấp, thường dễ mắc bệnh và có nhu cầu dùng thuốc nhiều.
Siết quy định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Tại hội nghị giao ban công tác khám chữa bệnh quý I/2018 diễn ra chiều 12/4, bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TPHCM đề nghị các bệnh viện (BV) cần siết chặt việc quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) theo đúng quy định của Bộ Y tế và cơ quan BHXH Việt Nam.
Năm 2017, TPHCM được giao dự toán chi Quỹ BHYT hơn 14.000 tỷ đồng, nhưng đến năm 2018, Quỹ chỉ được giao chưa tới 10.000 tỷ đồng. Năm 2017, với hơn 6,5 triệu thẻ BHYT, Thành phố được dự toán chi 14.263 tỷ đồng, tuy nhiên thực tế đã vượt dự toán lên đến 16.372 tỷ đồng.
Nguyên nhân vượt dự toán chi là do tỷ lệ chỉ định bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú còn cao. Bên cạnh đó, tại các BV vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc giá cao, chưa hợp lý, chưa quản lý chặt chẽ các trường hợp khám nhiều lần, nhiều nơi không hoàn lại chi phí thuốc và xét nghiệm…
Do đó, với dự toán chi chưa tới 10.000 tỷ đồng trong năm 2018, các cơ sở y tế cần siết chặt hơn nữa việc chỉ định thuốc, hạn chế chỉ định kỹ thuật không hợp lý để giảm vượt quá dự toán chi ban đầu.
Tại hội nghị, một số giám đốc BV cũng phản hồi về các quy định thanh toán BHYT, cụ thể là giá quy định thanh toán BHYT thấp hơn so với thực tế. Giám đốc BV quận Tân Phú nêu ví dụ, phẫu thuật mô phần mềm trên 15 cm, hay khối u vùng ngực phức tạp chỉ được thanh toán 120.000 đồng, trong khi thực tế chi phí cao hơn nhiều.
Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương chỉ rõ, mặc dù BV thực hiện chụp CT Scanner 60 lát cắt cho bệnh nhân, nhưng chỉ thanh toán 32 lát cắt; chạy thận nhân tạo cấp cứu lại có giá thấp hơn chạy thận nhân tạo không cấp cứu. Ngoài ra, bệnh nhân nằm hồi sức cấp cứu thì buộc phải thở máy nhưng lại tính theo giờ, bệnh nhân vào phòng cấp cứu nằm đủ 4 giờ mới tính tiền, thấp hơn không được thanh toán là điều vô lý…
Bên cạnh đó, việc liên thông dữ liệu lên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan BHXH vẫn còn tình trạng nghẽn mạng thường xuyên, gây phiền hà cho người bệnh và gây khó khăn cho cơ sở y tế.