Thí điểm chính quyền đô thị tại Hà Nội: Điều chỉnh những bất cập để nâng cao hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Mục đích quan trọng của chính quyền đô thị là tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phù hợp với tính chất đô thị, hướng đến sự phục vụ tốt nhất đối với người dân, doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực hiện Nghị quyết 97/2019/QH15 của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ, thành phố Hà Nội chính thức thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1/7/2021. Sau 1 năm triển khai thí điểm tại 12 quận và thị xã Sơn Tây (Hà Nội), bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực, phát huy tính chủ động và chế độ chịu trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu quận, phường. Bên cạnh đó, còn có một số vấn đề cần điều chỉnh khi thực hiện chính quyền đô thị để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.

Hướng đến người dân để phục vụ

Khoảng 1 năm nay người dân tại phường Thạch Bàn (Long Biên) muốn xin xác nhận chứng thực sao y bản chính các văn bằng đã không phải chờ lâu như trước. Sau khi văn bằng được chuyển đến bộ phận "Một cửa" sẽ được cán bộ Tư pháp của phường xem xét, nếu hợp lệ sẽ được ký đóng dấu và trả hồ sơ ngay. Không trước đây, mỗi lần cần chứng thực, người dân có khi phải chờ cả giờ đồng hồ, thậm chí là mất cả buổi sáng. Đó chỉ là một ví dụ điển hình về hiệu quả mà chính quyền đô thị đem lại cho người dân Thủ đô kể từ 1/7/2021 đến nay.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn phân tích, việc Chủ tịch UBND phường ủy quyền cho cán bộ Tư pháp được ký, đóng dấu vào các văn bản sao, chứng thực chữ ký là một giải pháp cải cách hành chính mang tính đột phá.

Đối với người dân, thay vì phải chờ đợi, chờ lãnh đạo phường ký hồ sơ giấy tờ, đến nay đã thuận lợi hơn, đơn giản hơn, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí… Còn dưới góc nhìn của người quản lý, việc ủy nhiệm một số việc cho cán bộ cấp dưới thực hiện của mô hình chính quyền đô thị giúp lãnh đạo phường giảm bớt các việc, sự vụ, để dành thời gian cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và kiểm soát công việc hiệu quả hơn. Mặt khác, việc ủy quyền cũng tạo sự chủ động, tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức khi thực hiện nhiệm vụ.

Trước đây, cán bộ, công chức là cấp phường, nay được chuyển thành công chức cấp quận nên tư tưởng ổn định và yên tâm hơn. "Khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, tỷ lệ đánh giá sự hài lòng của người dân tăng cao rõ rệt. Từ đó cho thấy, mô hình chính quyền đô thị được thực hiện thí điểm đã dần đi vào nề nếp, phát huy vai trò chính quyền địa phương trong các mặt, các lĩnh vực", ông Thắng thông tin thêm.

Tại phường Cầu Dền (Hai Bà Trưng), ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND phường chia sẻ, khi áp dụng mô hình chính quyền đô thị sẽ không còn HĐND cấp phường, điều này giúp tinh gọn bộ máy ở cơ sở, giảm số người hưởng chế độ chính sách từ ngân sách Nhà nước. Hơn nữa, còn giảm thời gian chờ các cuộc họp HĐND để quyết đáp các vấn đề tại địa phương, trong khi yêu cầu thực hiện của chính quyền tại các đô thị có nhiều yếu tố cần mang tính kịp thời trước các vấn đề kinh tế, xã hội của địa phương.

Về việc khi bỏ HĐND cấp phường, ý kiến cử tri phản ánh thế nào, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết: Hiện nay, nhờ công nghệ thông tin, lãnh đạo phường tiếp nhận phản ánh qua nhiều kênh khác nhau nên tương tác rất kịp thời trước các ý kiến của người dân. Nếu thấy chưa thỏa đáng, người dân có thể phản ánh nguyện vọng thông qua kênh Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, như vậy người dân không mất đi quyền dân chủ, thậm chí có nhiều điều kiện hơn trong việc tiếp cận với chính quyền cơ sở, khi triển khai chính quyền đô thị.

Có cơ chế đặc thù để nâng cao hiệu quả chính quyền đô thị

Đánh giá việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị sau 1 năm thí điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, sau khi rà soát, sắp xếp lại bộ máy theo mô hình mới, 100% các phường đã ban hành Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với đội ngũ công chức theo đúng quy định.

Ngay sau khi triển khai chính quyền đô thị, 14/14 Chủ tịch UBND phường đã tổ chức đối thoại với người dân để kịp thời nắm bắt và giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của bà con. Thông qua việc đối thoại đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền tại cơ sở; tăng cường, củng cố mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân.

Nhờ triển khai đồng bộ và thận trọng, đúng hướng dẫn của cấp có thẩm quyền nên chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính của quận Long Biên đạt 85,98%, cao hơn mức trung bình chung của toàn thành phố Hà Nội.

Theo đánh giá của Sở Nội vụ Hà Nội, nhìn chung 12 quận và thị xã Sơn Tây đã nghiêm túc thực hiện đúng các chỉ đạo trong triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả bước đầu, việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Đó là, một số phường còn bỡ ngỡ chưa chủ động trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền mới. Còn có hiện tượng cán bộ, công chức phường có tư tưởng chờ hướng dẫn, chỉ đạo của các phòng, ban chuyên môn của quận trong thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, theo cơ chế quản lý của chính quyền đô thị, phường là một đơn vị dự toán nên một số nhiệm vụ phát sinh, đột xuất không có trong dự toán gặp khó khăn trong việc triển khai, thực hiện, thiếu tính chủ động, kịp thời.

Để việc triển khai chính quyền đô thị đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đề xuất Chính phủ xem xét, điều chỉnh các quy định liên quan đến chế độ chính sách, chuyển đổi cán bộ phường thành công chức hành chính làm việc tại phường để đồng nhất trong quản lý tổ chức bộ máy, tạo động lực để đội ngũ cán bộ phường yên tâm công tác. Bên cạnh đó, UBND thành phố sớm ban hành đề án vị trí việc làm đối với đội ngũ công chức phường.

Đại diện UBND quận Ba Đình đề xuất cần hướng dẫn cụ thể việc xây dựng dự toán kinh phí đối với các nhiệm vụ, hoạt động đặc thù của UBND phường (chi hỗ trợ, hoạt động của tổ dân phố, kinh phí chi ký hợp đồng lao động đối với các vị trí phục vụ, hỗ trợ…) vì khi thực hiện thí điểm chính quyền đô thị thì thẩm quyền, cơ chế vận hành của phường thay đổi nhưng nhiệm vụ của hệ thống chính trị cơ sở không thay đổi.

Theo một số lãnh đạo phường, nhiều phường có dân số đông từ 5 - 10 vạn dân như Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng), Hoàng Liệt (Hoàng Mai) nên khối lượng công việc rất lớn mà chỉ có 15 cán bộ, công chức như hiện nay là quá ít, dẫn tới cán bộ, công chức bị quá tải, hiệu quả công việc không cao. Vì vậy, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cũng cần nghiên cứu cơ chế tài chính, con người theo đặc thù đối với các phường quy mô dân số lớn khi triển khai chính quyền đô thị.

Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
(Ngày Nay) - Ngày 26/4, hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết mới đây hãng đã phải hủy một chuyến bay từ thành phố Dallas (Mỹ) tới Tokyo sau khi tiếp nhận thông tin từ cảnh sát địa phương rằng cơ trưởng của chuyến bay này có hành vi gây rối tại khách sạn do say rượu.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn tại quán H2 CLub.
Vụ quán H2 Club ở Hà Nam: Nghiêm cấm hành vi tổ chức biểu diễn trái phép
(Ngày Nay) - Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt bài viết phản ánh việc quán bar H2 Club tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục, phản cảm; hoạt động “chui” khi chưa đủ điều kiện được phép kinh doanh; cùng một số dấu hiệu vi phạm khác; UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.