Hội nghị có sự tham gia của đại diện Bộ Công an, cùng các cấp, các ban ngành TP. Hà Nội, quận Nam Từ Liêm, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn.
Thời gian qua, cùng với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và vị thế Thủ đô, số lượng người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, hoạt động tại quận Nam Từ Liêm không ngừng gia tăng, trong đó phần lớn là công dân Hàn Quốc. Cộng đồng người Hàn Quốc sinh sống, làm việc trên địa bàn đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại của Thủ đô nói chung và quận Nam Từ Liêm nói riêng.
Tại đây, có rất nhiều các công trình lớn như sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam, Đại lộ Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội, trung tâm đào tạo thể dục, thể thao,... Trong đó, sân vận động Quốc gia Mỹ Đình là địa điểm thường được chọn để tổ chức các giải thi đấu thể thao lớn, các sự kiện giao lưu văn hóa Việt – Hàn.
Trong những năm trở lại đây, quận Nam Từ Liêm có sự phát triển vượt bậc, nhiều công ty Hàn Quốc được dựng lên, thu hút rất đông người Hàn Quốc đến đây để sinh sống, làm việc. Nhờ vậy, quận Nam Từ Liêm trở thành quận có cộng đồng người Hàn Quốc tại Hà Nội lớn nhất hiện nay.
Đại tá Mai Tùng Lâm - Phó trưởng Công an quận Nam Từ Liêm phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu về quá trình xây dựng mô hình phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ - “Vận động quần chúng tham gia xây dựng cộng đồng người Hàn Quốc an toàn, hòa nhập, phát triển trên địa bàn quận Nam Từ Liêm”, Đại tá Mai Tùng Lâm - Phó Trưởng Công an Quận nhấn mạnh, kể từ ngày chính thức đi vào hoạt động ngày 01/4/2014 đến nay, bộ mặt đô thị quận Nam Từ Liêm đã có nhiều bước đột phá, ngày càng phát triển văn minh, hiện đại.
Theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050, quận Nam Từ Liêm là một trong những đô thị lõi, là trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại của thủ đô Hà Nội thu hút không chỉ người dân, cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam mà còn có một bộ phận không nhỏ cơ quan, tổ chức người nước ngoài đến sinh sống và hoạt động kinh doanh, đầu tư trong đó phần lớn là công dân Hàn Quốc.
Theo Đại tá Mai Tùng Lâm, trong những năm qua, số người Hàn Quốc tạm trú dài hạn tại địa bàn Quận luôn chiếm gần 40% tổng số người Hàn Quốc tạm trú dài hạn trên địa bàn TP. Hà Nội. Các doanh nghiệp, tổ chức Hàn Quốc trên địa bàn quận cũng đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng, phát triển quận Nam Từ Liêm.
Ông Mai Trọng Thái, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm |
Phát biểu tại lễ ra mắt mô hình, ông Mai Trọng Thái, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm đề nghị Ban Chỉ đạo Mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc “Vận động quần chúng tham gia xây dựng cộng đồng người Hàn Quốc an toàn, hòa nhập, phát triển trên địa bàn quận Nam Từ Liêm” tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, phát huy tốt vai trò nòng cốt đưa mô hình thực sự đi vào đời sống người dân. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền đến các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nhiệm vụ, phương pháp hoạt động của mô hình để thu hút, vận động, khuyến khích cộng đồng người Hàn Quốc tham gia.
Khẳng định tại lễ triển khai mô hình, Đại tá Trần Văn Hóa, Trưởng CAQ Nam Từ Liêm, PT Ban thường trực BCĐ 138 Quận, Phó trưởng ban thường trực BCĐ Mô hình cho biết sẽ bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, trong đó lực lượng Công an quận sẽ phát huy tối đa vai trò nòng cốt nhằm thực hiện có hiệu quả mô hình.
Đại tá Trần Văn Hoá - Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm đề nghị Ban Chỉ đạo Mô hình phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ “Vận động quần chúng tham gia xây dựng cộng đồng người Hàn Quốc an toàn, hòa nhập, phát triển trên địa bàn quận Nam Từ Liêm” và tất cả cán bộ, công chức, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, công dân, doanh nghiệp Hàn Quốc trên địa bàn cùng chung tay thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, phát huy tốt vai trò nòng cốt đưa mô hình này thực sự đi sâu vào đời sống người dân, góp phần tích cực thúc đẩy quận phát triển ngày càng văn minh, giàu đẹp và hiện đại.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Chang Eun Sook – Chủ tịch Hiệp hội người Hàn tại Hà Nội cho biết, quận Nam Từ Liêm, với vị trí địa lý thuận lợi và cơ sở hạ tầng hiện đại, đã trở thành nơi cư trú của nhiều người Hàn Quốc nhất tại Hà Nội. Với số lượng người Hàn Quốc ngày càng tăng, Hiệp hội nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng một cộng đồng an toàn, hòa nhập và phát triển.
Bà Chang Eun Sook – Chủ tịch Hiệp hội người Hàn tại Hà Nội |
Phát huy tinh thần hợp tác và đoàn kết, quận Nam Từ Liêm đã quyết định triển khai mô hình "Vận động quần chúng tham gia xây dựng cộng đồng người Hàn Quốc an toàn, hòa nhập, phát triển trên địa bàn quận Nam Từ Liêm”. Đây là một mô hình hết sức ý nghĩa và cần thiết, nhằm tạo ra môi trường sống an toàn và thân thiện cho người dân Hàn Quốc cũng như người dân Việt Nam tại địa bàn quận.
“Chúng tôi đánh giá cao mô hình này và tin rằng nó sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực. Mô hình này không chỉ tạo điều kiện cho người Hàn Quốc an tâm sinh sống và làm việc mà còn là một bước tiến mới trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. Chúng tôi tin rằng quận Nam Từ Liêm không chỉ là nơi sống mà còn là ngôi nhà thứ hai của chúng tôi”, bà Chang Eun Sook nói.
Bày tỏ sự vui mừng, ông Lee Hyo Jong - Chủ tịch Công ty TNHH MTV AON Vina cho biết, địa bàn Quận Nam Từ Liêm thành phố Hà Nội cũng là vị trí đẹp thuận lợi để người Hàn Quốc sinh sống và làm việc. Với số lượng người Hàn Quốc ngày càng tăng, cá nhân ông nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng một cộng đồng an toàn, hòa nhập và phát triển.
Theo ông Lee Hyo Jong, việc quận Nam Từ Liêm triển khai mô hình "Vận động quần chúng tham gia xây dựng cộng đồng người Hàn Quốc an toàn, hòa nhập, phát triển” là điều vô cùng thiết thực. “Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính quyền quận Nam Từ Liêm để thực hiện và phát triển mô hình này một cách hiệu quả nhất”, ông Lee Hyo Jong khẳng định.
Các bên kí biên bản ghi nhớ tại Hội nghị |
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu và ưu tiên cao, nhất là các lĩnh vực quan trọng, mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen, công nghiệp văn hóa – giải trí…
Bên cạnh đó, Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư phát huy tinh thần "3 cùng" (cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển); "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "hợp tác toàn cầu, tòa diện, toàn dân", cùng nhau "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".