Tối 5/2, một nhóm công nhân đã đưa 12 con thiên nga lên xe ôtô, rời khỏi hồ Gươm lúc hơn 22h.
"Việc thí điểm thả thiên nga ở Hồ Gươm tạm dừng do nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt một số nhà khoa học cho rằng thiên nga không phù hợp với lịch sử, văn hoá của hồ Gươm", lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội chia sẻ với VnExpress.
Nhà chức trách không tiết lộ sẽ đưa số thiên nga này đi đâu. Tuy vậy, một số hoạt động khảo sát hồ Thiền Quang cách đó không xa cũng được tiến hành cùng thời điểm.
Hay tin thiên nga được thả thí điểm ở Hồ Gươm, một số nhà khoa học cho rằng cần lấy ý kiến rộng rãi và thận trọng, không thể tuỳ tiện, vì nơi đây vốn gắn với truyền thuyết rùa vàng, gắn với hình ảnh cụ rùa và lịch sử lâu đời. Hơn nữa, đó còn là vấn đề tâm linh, văn hoá.
12 con thiên nga đen và trắng được thả thử nghiệm ở góc Hồ Gươm |
Trước đó, chiều 5/2, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội thả thí điểm 12 con thiên nga màu trắng, đen được nhập từ Bỉ. Nhiều du khách, người dân tỏ ra thích thú với hình ảnh đàn thiên nga bơi lội, vỗ cánh trên mặt hồ.
Tuy nhiên, nhiều tranh cãi đã nổ ra. GS. Nguyễn Lân Dũng, chuyên gia sinh học đồng thời cũng là người được lãnh đạo Hà Nội tham vấn ý tưởng thả thiên nga cho rằng, "thả thiên nga ở Hồ Gươm là hợp lý, tạo cảnh quan đẹp, không ảnh hưởng đến môi trường".
Không đồng tình, Phó GS, TS Hà Đình Đức cho rằng Hồ Gươm là địa điểm văn hóa, tâm linh của cả nước nên đưa con vật gì vào phải hết sức thận trọng. Ông gợi ý chỉ nên thả thiên nga trong mấy ngày Tết tạo không khí vui vẻ, mà không nên nuôi lâu dài.
Cũng theo ông Đức, loài thiên nga đã được thuần hóa nên không có khả năng kiếm ăn và thường sống ở phương Bắc, không có khả năng chịu nóng vào mùa hè, nên cần phải có bộ phận chuyên chăm sóc khá phức tạp, tốn kém.
"Hồ Gươm không phải là nơi có thể thả con gì cũng được. Nếu nuôi thiên nga ở đây lâu dài sẽ biến thành hồ thiên nga, hay ít nữa họ lại thả Sâm Cầm. Hãy để hồ Gươm như nó vốn có", ông Đức nói.
Theo VnExpress