Điển hình trong số những thế hệ doanh nhân thứ hai, thế hệ những cậu ấm cô chiêu được thừa hưởng khối tài sản kếch xù từ cha mẹ, phải kể tới Nguyễn Quốc Cường hay còn gọi là Cường đô la. Đây là cái tên khá nổi tiếng trong giới thế hệ 8X. Ban đầu anh nổi tiếng với niềm đam mê xa xỉ, anh mê siêu xe và sở hữu bộ sưu tập những chiếc xe đắt tiền và hiếm có nhất.
Nguyễn Quốc Cường
Tài sản để phục vụ cho đam mê của anh đến từ số tài sản khổng lồ của mẹ anh, doanh nhân Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty Quốc Cường Gia Lai.
Sau này, Quốc Cường cũng tiếp bước mẹ và trở thành một doanh nhân đích thực. Anh gánh vác vai trò Phó tổng giám đốc và là người phát ngôn của Quốc Cường Gia Lai. Mọi người nể phục anh ở tài ứng xử khéo léo, tuy nhiên anh lại chưa thực sự bộc lộ khả năng lãnh đạo hay kinh doanh gì nhiều.
Minh chứng cho điều đó, trong một vài năm trở lại đây, Quốc Cường Gia Lai luôn gặp phải tình trạng sụt giảm doanh thu và lợi nhuận. Thậm chí, vào năm 2011, công ty này còn đối mặt với khoản lỗ gần 40 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý III/2015 của công ty cho thấy, tính đến ngày 30/9/2015 số vay và nợ thuê ngắn hạn đã lên tới 333,49 tỷ đồng, con số này tăng khá nhanh khi mà mới hồi cuối năm 2014, nó dừng lại ở con số 115,3 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 1.604,06 tỷ đồng.
Tính ra tổng nợ của Quốc Cường Gia Lai là 1.719,36 tỷ đồng, gần bằng 50% vốn chủ sở hữu. Để tái cơ cấu, công ty đã phải bán khá nhiều dự án tiềm năng. Việc này dẫn đến cổ phiếu QCG của công ty bị lâm vào cảnh giao dịch dưới mệnh giá suốt nhiều năm. Cụ thể, giá cổ phiếu QCG là 5.500 đồng/CP. Đến thời điểm này doanh nhân trẻ Cường đô la và mẹ vẫn đang rất nỗ lực để giải quyết những khó khăn trên.
Tương tự như Cường đô la là doanh nhân Trần Hùng Huy. Anh cũng thuộc thế hệ doanh nhân thứ hai khi là con trai của đại gia ngân hàng Trần Mộng Hùng. Anh nắm giữ vị trí cao hơn khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB).
Tuy đứng ở vị trí cao lúc tuổi đời còn khá trẻ nhưng không ai dám phủ nhận tài năng thực sự của anh. Những doanh nhân trong giới luôn khẳng định khả năng lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược sáng suốt của anh.
Doanh nhân Trần Hùng Huy
Mặc dù vậy, anh khá kém may mắn khi chưa được nếm mùi “đỉnh vinh quang” lâu cùng ACB đã phải trải qua nhiều sóng gió cùng ngân hàng này. Chính thời điểm anh lên ngồi “ghế nóng” cũng chính là lúc ACB gặp phải khủng hoảng tài chính. Thời điểm này, giới truyền thông trong nước liên tục đưa tin về doanh nhân Trần Hùng Huy – Chủ tịch mới của ACB đã nhanh chóng làm “biến mất” 50.000 tỷ đồng của ACB.
Một trường hợp doanh nhân thế hệ thứ hai nữa là Đặng Hồng Anh, anh sinh ra trong một gia đình có nền tảng, cha là đại gia ngân hàng Đặng Văn Thành và mẹ là “Nữ hoàng mía đường” Huỳnh Ngọc Bích.
Doanh nhân Đặng Hồng Anh đã tham gia thương trường từ rất sớm, vậy nên có thời gian tích lũy được cho bản thân nhiều kinh nghiệm kinh doanh. Anh từng được đánh giá là doanh nhân trẻ có thực lực, có tâm và có tầm. Hiện nay anh nắm giữ trong tay doanh nghiệp bất động sản nghìn tỷ Sacomreal và có chân trong ngành ngân hàng.
Đặng Hồng Anh
Tuy có nền tảng gia đình và thực lực bản thân tốt như vậy những anh cũng không thoát khỏi đợt khủng hoảng kinh tế. Theo Vneconomy, nếu năm 2010 Sacomreal đạt lợi nhuận 426,6 tỷ đồng thì các năm sau, chỉ tiêu này ngày càng giảm mạnh. Đến năm 2014, chỉ đạt 29 tỷ đồng.
Tình hình kinh tế của Sacomreal lên xuống khá thất thường, vào quý II/2015 tình hình có vẻ khả quan hơn khi lợi nhuận công ty đạt 142,7 tỷ đồng. Tuy nhiên chưa vui mừng dduwcowcj lâu thì sang quý III, con số này chỉ còn 5 tỷ tiền lợi nhuận.
Chính nhiều lý do đó đã khiến cổ phiếu SCR của Sacomreal phải giao dịch dưới mệnh giá suốt thời gian dài. Chốt phiên 4/12 cổ phiếu SCR dừng ở mức 8.300 đồng/CP.
Lê Khánh (tổng hợp)