Tại phiên họp, Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã tái thẩm định 228 Công viên địa chất của 49 quốc gia, trong đó tái thẩm định 213 Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, thẩm định thêm 15 Công viên địa chất mới. Việt Nam có Công viên địa chất Lạng Sơn được thành viên Hội đồng bỏ phiếu nhất trí thông qua hồ sơ để trình UNESCO xem xét công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào thời gian tới.
Trong tái thẩm định đối với những Công viên địa chất đã đạt danh hiệu trên, thành viên Hội đồng đã xem xét hoạt động Công viên địa chất về thực hiện các khuyến nghị của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân sinh sống trong vùng Công viên địa chất thực hiện bảo vệ các giá trị di sản bản địa của Công viên địa chất; thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Công viên địa chất gắn với phát triển du lịch theo hướng bền vững, tạo sinh kế cho người dân địa phương, bản địa.
Hội đồng cũng đã xem xét tính tích cực của Công viên địa chất trong tham gia các chương trình, hoạt động của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; giới thiệu, quảng bá Công viên địa chất, các sản phẩm văn hóa bản địa truyền thống, sản phẩm OCOP của Công viên địa chất trong nước và nước ngoài; xuất bản trang thông tin, quảng bá giới thiệu các hoạt động Công viên địa chất; chia sẻ mô hình Công viên địa chất có cách làm hay, hiệu quả với thành viên Công viên địa chất Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO… Đồng thời, Hội đồng cũng đánh giá về những mặt còn tồn tại của một số Công viên địa chất để thúc đẩy hoạt động tốt hơn vào thời gian tới.
Đối với 15 Công viên địa chất mới, Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đề nghị các Công viên địa chất tích cực thực hiện các mục tiêu hoạt động theo đúng các nội dung đã xây dựng trong hồ sơ trình UNESCO xem xét.
Trước đó, Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESO đã bầu ông Setsuya Nakada, thành viên Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, làm Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.