Phạm Đức Toàn (đeo kính) và bạn thân cùng lớp. |
Với tổng điểm 29,5 điểm, Toàn là thí sinh đạt điểm cao nhất tính đến thời điểm này trong toàn quốc sau khi gần 40 trường ĐH đã công bố điểm thi.
Lập gia đình ở tuổi 31 và muộn mằn đến năm 37 tuổi, mẹ Toàn mới lần đầu tiên được hưởng hạnh phúc của người làm mẹ.
“Toàn ra đời trong sự trông chờ bao năm của cả gia đình. Nhưng không chỉ 9 tháng 10 ngày như thông thường, tôi phải mang thai đến tận 9 tháng 17 ngày, Toàn mới chịu ra” - bà Nguyễn Thị Đa, mẹ của Toàn, nhớ lại.
Đó cũng chính là nguồn gốc của biệt danh “Toàn lì” mà đến bây giờ Toàn vẫn thích dùng trên trang Facebook cá nhân.
Sức khỏe không tốt, mẹ Toàn phải nghỉ hưu sớm từ ba năm nay. Nguồn tài chính cho cả gia đình trông chờ cả vào bố.
“Mấy năm nay, nhà tôi suốt ngày phải đi dạy để tăng thêm thu nhập, trang trải cho cả nhà. Dù có bố làm giáo viên toán THCS, nhưng thú thật bao năm nay Toàn tự học là chính chứ bố mẹ không có thời gian kèm cặp” - bà Đa tâm sự.
Thầy Hồ Sỹ Hùng - thầy giáo chủ nhiệm của Toàn - liên tục khen năng lực nổi trội của Toàn khi làm các bài thi trắc nghiệm.
“Toàn có tư duy tính toán nhanh một cách lạ kỳ. Điều này giúp em có lợi thế làm các câu hỏi trắc nghiệm lý, hóa siêu nhanh. Nhiều khi thầy giáo cho đề bài, vừa đọc xong là Toàn đã tìm ra đáp số” - thầy Hùng “bật mí”.
Nhưng cậu học sinh xuất sắc ấy thực tế không phải cày ngày cày đêm để ôn luyện học hành.
“Thông thường, mỗi tối mình chỉ học bài đến 10 giờ là nghỉ. Thời gian rảnh mình đọc sách, nghe nhạc, đá bóng, hoặc… chơi game” - Toàn chia sẻ.
Theo thầy Hùng, ở lớp chuyên toán của Trường THPT Phan Bội Châu luôn có hai đối tượng học sinh: một là các em chuyên đi thi học sinh giỏi và hai là nhóm các em học sinh tập trung hết sức cho mục tiêu thi ĐH. Toàn thuộc nhóm thứ hai
Bạn bè của Toàn đều khẳng định cậu sở hữu ý chí quyết tâm rất lớn. Khi vào lớp 10, Toàn không phải là học sinh nổi bật, nhưng sang lớp 11, rồi lớp 12, ở những kỳ thi thử, Toàn luôn nằm trong tốp đầu.
Chia sẻ về bước ngoặt này, Toàn thú nhận năm lớp 10 đã có lúc cậu học hành chểnh mảng.
“Trên con đường tới thành công không thể có bước chân của kẻ lười biếng. Khi thấm thía câu nói này, nghĩ đến gia đình và những người xung quanh, nghĩ đến tương lai của chính mình, mình bắt nhịp trở lại với học tập và dần thấy mọi thứ dễ dàng hơn” - Toàn thổ lộ.