Nhóm nghiên cứu do bác sĩ Steven Rosenberg, đến từ Viện Ung thư Quốc gia (NCI – Maryland, Mỹ) dẫn đầu, đã thực hiện thử nghiệm đáng ngạc nhiên nói trên.
Nữ bệnh nhân là bà Judy Perkins, một kỹ sư 49 tuổi đến từ bang Florida. Bà đã trải qua nhiều cuộc hóa trị nhưng thất bại. Khối u di căn đến gan và bà chỉ còn đợi chờ cái chết, nhiều lắm chỉ sống được 3 năm nữa nhờ vào các biện pháp điều trị cầm cự.
Khối u rất lớn trong ngực bà Perkins thể hiện trên phim MRI - ảnh cắt từ clip của NCI |
Không còn gì để mất, bà Perkins quyết định tham gia thử nghiệm của NCI. Các nhà khoa học sử dụng tế bào T – chính là tế bào miễn dịch trong cơ thể con người, thực hiện một số thay đổi trong nó. Các tế bào được chỉnh sửa này được đưa trở lại cơ thể và kích thích hệ miễn dịch sinh ra phản ứng mạnh mẽ đối với khối u.
Kết quả là hệ miễn dịch của bà Perkins đã phá hủy rất nhanh chóng khối u chính lẫn các điểm di căn và tự làm bà khỏi bệnh. Hiện nay, sau 2 năm, các bác sĩ đã kiểm tra lại nhiều lần và không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào khác của bệnh ung thư trong cơ thể bà.
Ngực bà Perkins sau điều trị: khối u hoàn toàn biến mất - ảnh cắt từ clip của NCI |
Các nhà khoa học cho biết họ sẽ tiếp tục những thử nghiệm lâm sàng khác. Tận dụng chính hệ miễn dịch của bệnh nhân là phương pháp điều trị ung thư được nhiều nhà khoa học hướng đến ngày nay. Nhiều nghiên cứu theo hướng này đã được thực hiện, hầu hết ở giai đoạn thử nghiệm động vật nhưng cũng đủ cung cấp các bằng chứng tích cực.
Các kết quả vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Medicine.