Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình kinh tế thế giới nói chung đang gặp nhiều khó khăn, do tăng trưởng có xu thế giảm, lạm phát xu thế tăng cao. Gần đây, các ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ, EU, Anh, Nhật Bản có xu hướng tăng lãi suất, tăng giá trị đồng tiền, làm giảm giá trị đồng tiền các nước khác, tác động rất lớn các nước, trong đó có Việt Nam. Do đó, cần đưa ra một số nhiệm vụ giải quyết để ứng phó tình hình.
Bên cạnh đó, trong phiên họp này, Chính phủ xem xét nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là về vấn đề quy hoạch. Đây là vấn đề lớn và khó, do đó Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan giành thời gian, công sức, trí tuệ để cho ý kiến vào các nội dung.
Trước khi vào nội dung xây dựng pháp luật, Chính phủ dành thời gian xem xét, đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô từ nay đến cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023; trọng tâm điều hành việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tể vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải ngân đầu tư công; trọng tâm điều hành chính sách tiền tệ; trọng tâm điều hành chính sách tài khóa; trọng tâm điều hành thị trường, dự báo tình hình phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; trọng tâm điều hành việc thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và phát triển sản xuất nông nghiệp.
Theo chương trình, tại phiên họp, Chính phủ nghe dự thảo, cho ý kiến đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030; các chính sách về phòng, chống dịch COVID-19; đề nghị xây dựng Luật Công chứng, Luật Khoáng sản sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.