Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Các đại biểu nhận định trong thời gian qua, mặc dù thế giới có những biến động khó lường nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức cao. Để giữ tốc độ tăng trưởng này cùng với việc đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững thì cần phải đẩy mạnh tinh thần đổi mới, sáng tạo và con người phải là trung tâm của sự phát triển.
Trong kế hoạch 10 năm tới, các chuyên gia khuyến nghị cần phải đề ra các mục tiêu cụ thể. Bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, phát triển văn hóa cũng cần phải được quan tâm đặc biệt bởi văn hóa là cái gốc của mọi vấn đề.
Nhận định tình hình trong 10 năm tới, các ý kiến đều cho rằng Việt Nam đang có vị thế tốt trên trường quốc tế, đây cũng là cơ hội để bứt phá về kinh tế. Trong giai đoạn này, kế hoạch phải thể hiện được khát vọng về một Việt Nam thịnh vượng, để từ đó đánh thức tiềm năng của toàn thể nhân dân, cống hiến xây dựng đất nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ý kiến các thành viên Tiểu ban nêu ra, cho rằng đây là những ý kiến phong phú, đa dạng và rất chất lượng. Thủ tướng yêu cầu Tổ Biên tập tiếp thu các ý kiến một cách chọn lọc, có cơ sở khoa học, rà soát, cân đối các nội dung, câu chữ.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận chủ đề của Chiến lược, Kế hoạch để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giữ vững chủ quyền, ổn định xã hội, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn 2021 - 2030.
Thủ tướng Chính phủ cảm ơn các đại biểu góp ý cho văn kiện đại hội đảng trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng; nêu rõ đây là những vấn đề lớn, cấp bách, các ý kiến của đại biểu sẽ được ghi chép tổng hợp và báo cáo Trung ương cho ý kiến.
Về kết cấu đề cương sơ bộ, Thủ tướng đề nghị cần bổ sung đột phá phát triển khoa học công nghệ hay đổi mới sáng tạo, coi đây là nền tảng quan trọng để cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Phải làm nổi bật việc thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu như kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, huy động các nguồn lực cho phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng.