Đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 1 tích cực, có nhiều chỉ tiêu tốt, Thủ tướng cho rằng, với đà này, có thể nhận định rằng kinh tế Việt Nam năm nay, nếu phấn đấu quyết liệt, giải quyết đồng bộ các biện pháp thì chúng ta đạt được cận trên ở mức cao, 6,7%.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, không được chủ quan, lơ là mà phải có nhận thức đúng đắn, hành động quyết liệt do tình hình thế giới và trong nước có nhiều thay đổi phức tạp.
Cho biết các nền kinh tế lớn trên thế giới đang thay đổi cơ chế, biện pháp, quản lý kinh tế như Hoa Kỳ, Trung Quốc thông qua việc điều chỉnh các dòng thuế, lãi suất, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chú ý theo dõi tình hình, đề xuất, phản ứng chính sách nhanh hơn, tốt hơn trước biến đổi của thế giới, bao gồm việc tạo dựng thị trường, những biện pháp phòng vệ thương mại, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại… Không chỉ ngồi lại dự báo khả năng của các nước mà phải bàn bạc các giải pháp, không để tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam “đồng sàng dị mộng” hay "chung bàn mà chẳng chung mâm".
“Như lần trước tôi đã nêu, phát triển kinh tế là cuộc đua đường trường. Chúng ta có cơ hội phát triển tốt nhưng khả năng hiện thực đến đâu chính là phụ thuộc vào sự đổi mới sáng tạo, quyết tâm vượt lên chính mình của tất cả chúng ta”, Thủ tướng nói. Chúng ta làm kiểu cũ, cứ bình bình, nước chảy bèo trôi thì khó có thể vươn lên.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu về chú trọng hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế chính sách, tiếp tục rà soát, phát hiện cơ chế chính sách không còn phù hợp, cản trở sự phát triển để tập trung sửa sớm.
Phải tạo môi trường mới trong đầu tư kinh doanh, có đột phá về động lực phát triển.
Năm 2018 tiếp tục là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, phấn đấu ngay từ quý I rà soát để giảm lãi suất cho vay; giảm các loại phí trong đó có cước phí vận tải, phí logistics.
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương quyết toán các dự án BOT để xem xét mức thu phí phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng; đồng thời cương quyết xử lý nghiêm các đối tượng, cá nhân phá hoại chính sách xã hội đầu tư trong lĩnh vực này.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Từ kinh nghiệm 2017, Thủ tướng yêu cầu xây dựng kịch bản tăng trưởng từng ngành, lĩnh vực trong cả nước theo quý, có kế hoạch, giải pháp, phân công thực hiện cụ thể, báo cáo Thủ tướng trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất (16/2/2018).
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành từng ngành, lĩnh vực, địa phương, báo cáo Thủ tướng trong tháng 2/2018, "từ định hướng đến số lượng cụ thể", chứ không chỉ nói tương đối mà không có số tuyệt đối, để Thủ tướng có thể biết được tình trạng sản xuất kinh doanh, thu chi tài chính, ngân sách nhà nước cụ thể ra sao.
Thủ tướng yêu cầu theo dõi chặt chẽ biến động giá cả thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa, ổn định tỷ giá, quản lý chặt chẽ tiền điện tử khi mà có thông tin cho biết Việt Nam được coi là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về số lượng máy "đào tiền ảo".
Thủ tướng cho biết dự kiến Chính phủ sẽ tổ chức một số hội nghị chuyên đề trong Quý I/2018 như đã làm trong năm 2017 và đánh giá, theo dõi kết quả những hội nghị lần trước để đưa chính sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đi vào cuộc sống.
Về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, Thủ tướng lưu ý các lực lượng liên quan bám sát tình hình, có kế hoạch chủ động đấu tranh trấn áp tội phạm, không để xảy ra đua xe dịp Tết, không để bị động bất ngờ, kiên quyết đảm bảo an ninh trật tự, trên địa bàn cả nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh thông tin tuyên truyền tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong lao động sản xuất ngay từ ngày đầu năm mới.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành địa phương quán triệt cán bộ công chức không tổ chức du xuân, bắt tay ngay vào công việc, nêu cao vai trò trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng, Bí thư tỉnh, thành phố; không để xảy ra sai sót trong ngành mình, địa phương mình.
Thủ tướng cũng lưu ý việc chăm lo đời sống cho người dân dịp Tết, nhất là người nghèo, gia đình chính sách, người dân vùng thiên tai, quản lý tốt các lễ hội, bảo đảm an toàn, không phô trương lãng phí.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về sự cần thiết xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ. Về vấn đề này Thủ tướng cho biết, kinh tế chia sẻ ở Việt Nam tương đối mới, vào Việt Nam với nhiều dịch vụ như Uber, Grab… Việc Chính phủ đưa ra chủ trương có đề án về mô hình kinh tế chia sẻ là cần thiết, chuẩn bị cơ sở pháp lý và các điều kiện cần thiết và các giải pháp liên quan. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, làm việc với các bộ, ngành liên quan… hoàn thiện đề án, lấy ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước, trình Chính phủ trong tháng 6/2018.