Chanh dây không quả
Vào khoảng tháng 9/2016, Công ty TNHH Tuấn Đại An đến quảng cáo với người dân ở xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh (Gia Lai) trồng giống chanh dây thực sinh (ươm từ hạt) sẽ cho hiệu quả cao, giá 37 nghìn đồng/cây. Hơn nữa, công ty này “ưu đãi” được cho nợ 50% tiền giống và phân bón, tổ chức hội thảo, đưa về thực tế những mô hình trồng chanh dây thực sinh hiệu quả nên đã có khoảng 30 hộ dân thôn Lương Hà, Ia Blứ, huyện Chư Pứh nhẹ dạ đã mua giống chanh này về trồng.
Chị Nguyễn Thị Thu (thôn Lương Hà), cho biết vì hợp đồng công ty này nói sẽ bao tiêu chanh dây với giá thấp hơn giá thị trường 1 nghìn đồng, xuống giống khoảng 4 tháng mà không có hoa sẽ thay thế cây khác nên chị đã mua 300 cây về trồng vào tháng 10/2016.
“Trồng xuống, cây phát triển rất tốt nhưng khi ra hoa được vài tuần lại rụng hết. Đến giờ đã 8 tháng rồi nhưng chỉ thấy lá phát triển, có một hai cây đậu quả nhưng không có ruột. Nhặt nhạnh được vài ký mang đến tư thương họ cũng không mua, vì không có ruột. Gia đình tôi đầu tư hơn 70 triệu đồng vào vườn chanh dây rồi, chắc phải phá bỏ hết để trồng cây khác” – Chị Thu buồn bã nói.
Người dân phá bỏ vườn chanh dây không có quả. |
Trưởng thôn Lương Hà Lê Đầu, cho biết vào tháng 3/2017, Công ty TNHH Tuấn Đại An đã về làm việc với dân, thừa nhận chanh dây không có quả là do giống, và hứa sẽ mang giống khác về đổi lại. Kể từ sau lần gặp đó, công ty này “biệt vô âm tín”.
Bản thân ông Nguyễn Sinh- Chủ tịch Hội nông dân xã Ia Blứ cũng trồng 70 cây chanh dây do Công ty TNHH Tuấn Đại An cung cấp. Theo ông Sinh, trên địa bàn xã có khoảng 60 hộ dân trồng giống chanh dây này, hộ trồng nhiều nhất là anh Trần Đình Sơn với 1.000 cây, đầu tư khoảng 200 triệu đồng. Nhưng tất cả đều không cho quả.
Bí xanh bỏ thối trên ruộng
Dọc tuyến QL14 đi qua huyện Chư Sê, những quả bí đỏ được đổ đống, bày dọc đường để bán. Anh Chu Văn Chiến (thôn Hương Phú, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) trồng 1ha cả bí xanh và bí đỏ với tổng vốn đầu tư khoảng 70 triệu đồng cho biết: “Ban đầu, có một người phụ nữ xuống nói rằng là giám đốc của Công ty cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên bảo gia đình tôi trồng hai loại bí trên. Tuy nhiên đến ngày thu mua bí ra quả to, bầu bĩnh thì công ty này “biệt vô âm tín”, gọi điện thoại thì không liên lạc được.
Những hộ dân bày bí đỏ bán dọc tuyến QL14. |
Cách đó không xa, Chị Phạm Thị Tuệ (xã Ia Glai, huyện Chư Sê) cũng đang mỏi cổ ngóng chờ khách mua bí đỏ. Theo chị Tuệ, người của Công ty cổ phần Phú An Khanh Tây Nguyên đến vận động từng hộ dân trồng và đưa ra hợp đồng có dấu đỏ để người dân tin tưởng. Đến thời điểm thu hoạch công ty này lại không về mua như hợp đồng đã ký. Giờ đây, những hộ dân trồng bí đỏ chỉ biết mang ra đường bán để gỡ lại vốn. Những hộ trồng bí xanh thì để thối, cho cũng không ai lấy.
Theo ông Nguyễn Đức Phi - Chủ tịch UBND xã Ia Glai, do người dân ký kết hợp đồng với các công ty mà không thông qua chính quyền nên xã không nắm cụ thể bao nhiêu hộ dân trồng bí xanh, bí đỏ. Xã mới chỉ tổng hợp được 8 hộ dân trồng với quy mô lớn là 18,5ha. Hiện tại, người dân chỉ bán lẻ bí đỏ dọc đường, thu lại 50% số vốn đầu tư. Còn những hộ dân trồng bí xanh thì chưa có đầu ra, nhiều hộ gia đình có hàng tấn bí xanh đổ đống bị thối.
Ông Nguyễn Văn Hợp - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Sê, cho biết huyện đã khuyến cáo người dân khi ký bất kỳ hợp đồng nào về các loại giống mới phải cân nhắc, tìm hiểu kỹ. Đặc biệt là phải thông báo cho chính quyền địa phương biết để tư vấn, nhằm kiểm tra tư cách pháp nhân rõ ràng nhưng người dân không thực hiện.
Phóng viên đến địa chỉ của công ty TNHH Tuấn Đại An (do bà Bùi Thị Diệu Hiền làm giám đốc, số 38 Lý Nam Đế, Tp.Pleiku) và công ty cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên tại 127 Lý Thường Kiệt, Tp.Pleiku nhưng đều đóng cửa. Gọi điện thì không liên lạc được.