Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiến gần mốc 90 tỷ USD

(Ngày Nay) - Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 87,7 tỷ USD, tăng trưởng mạnh cả ở chiều xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Tiến sĩ Brendan Nelson, Phó Chủ tịch Cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch Boeing Global.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Tiến sĩ Brendan Nelson, Phó Chủ tịch Cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch Boeing Global.

Thương mại giữa Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy trong 8 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt khoảng 77,9 tỷ USD, chiếm 29,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng tới 25,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 19%).

“Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch trong 8 tháng vừa qua,” đại diện Bộ Công Thương thông tin đồng thời cho biết thêm Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 9,78 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, trong 8 tháng năm 2024, thương mại hai chiều Việt Nam-Hoa Kỳ đã đạt gần 87,7 tỷ USD, tăng trưởng mạnh cả ở chiều xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ phân tích có nhiều lý do để thương mại hai nước tăng trưởng liên tục trong thời gian qua, ngay cả trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động. Trước hết là quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển. Năm 2013, hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, đến năm 2023, hai nước chính thức nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Bên cạnh đó, hàng hóa của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Hoa Kỳ do chất lượng liên tục được cải thiện, cập nhật xu hướng cũng như có giá cả cạnh tranh. Mặt khác, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng cũng như làn sóng dịch chuyển đầu tư đã góp phần tăng cường năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đồng thời tạo cơ hội và dư địa cho hàng hóa của Việt Nam gia tăng xuất khẩu ra thế giới nói chung và thị trường Hoa Kỳ nói riêng.

Một số mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất từ Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may, da giày, nông sản... Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng lớn thiết bị công nghệ, nguyên liệu sản xuất và các sản phẩm nông nghiệp từ Hoa Kỳ, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và nâng cao năng lực sản xuất trong nước.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo nền tảng vững chắc, giúp hoạt động hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất trên tất cả các trụ cột; trong đó trụ cột kinh tế thương mại đầu tư tiếp tục đóng vai trò là động lực trung tâm thúc đẩy quan hệ hai nước.

“Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam nhiều năm liên tục và hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ rất đa dạng và phong phú. Dự báo kim ngạch thương mại hai nước trong năm 2024 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt nhiều kết quả khả quan,” ông Vũ Bá Phú nói.

Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh việc cung cấp thông tin và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cũng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến xuất khẩu, cùng đó là giải pháp nâng cao năng lực và chất lượng hạ tầng logistics giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, việc thiết lập và duy trì các chương trình đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm, tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định của Hoa Kỳ cũng đóng vai trò quan trọng. Các doanh nghiệp cần được cung cấp các công cụ và kiến thức để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường này, từ việc cải thiện quy trình sản xuất đến việc nâng cao chất lượng đóng gói và tiếp thị.

Các chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược xuất khẩu hiệu quả bằng cách nghiên cứu và nắm bắt xu hướng thị trường, tìm hiểu nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng Hoa Kỳ, đồng thời, tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế và các sự kiện giao thương cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam quảng bá thương hiệu, thiết lập mối quan hệ với các đối tác và nhà phân phối tại Hoa Kỳ.

Theo thước đo của Liên hợp quốc, các quốc gia có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên được coi là xã hội già hóa, trên 14% là “xã hội già,” trong khi trên 20% là “xã hội siêu già." Nguồn: The Korea Times
Hàn Quốc chính thức trở thành xã hội "siêu già"
(Ngày Nay) - Tính đến ngày 23/12, Hàn Quốc có 10,24 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 20% tổng dân số 51,22 triệu người của cả nước, chính thức trở thành xã hội "siêu già theo thước đo của Liên hợp quốc.
Tiết mục xiếc thú vui nhộn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía các bạn nhỏ (Ảnh: Vân Hương).
Xiếc Việt nỗ lực chuyển mình trong kỷ nguyên mới
(Ngày Nay) - Những năm gần đây, nghệ thuật xiếc Việt Nam đã mạnh dạn sáng tạo và tìm tòi những cách thức độc đáo để “làm mới”. Loại hình nghệ thuật này đang dần khẳng định sức hút riêng và trở thành điểm sáng trong bức tranh nghệ thuật nước nhà.