Theo hãng tin Reuters và báo Washington Post, trong tuyên bố đưa ra ngày 16/5, Thủ tướng Magdalena Andersson nêu rõ, sau Phần Lan, Thụy Điển nỗ lực gia nhập NATO tiếp sau sự kiện Nga can thiệp quân sự tại Ukraine.
Tuyên bố này đánh dấu một bước ngoặt lịch sử đối với Thụy Điển, quốc gia Bắc Âu đã có hơn 200 năm không tham gia các liên minh quân sự. Bước đi của Stockholm nhiều khả năng sẽ chọc giận Nga.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thủ tướng Magdalena Andersson nói: “Chúng tôi sẽ thông báo với NATO rằng Thụy Điển muốn trở thành một thành viên của liên minh… Quyết định chính thức đã được đưa ra. Thụy Điển cần những đảm bảo an ninh chính thức có được khi trở thành một thành viên NATO”.
Bà Magdalena Andersson gọi đây là “một sự thay đổi mang tính lịch sử trong chính sách an ninh quốc gia của đất nước”.
Tuyên bố lịch sử của Thụy Điển được đưa ra 3 ngày sau khi quốc gia láng giềng Phần Lan cũng công bố ý định xin gia nhập liên minh quân sự gồm 30 nước thành viên này.
Việc Chính phủ Thụy Điển tuyên bố ý định gia nhập NATO diễn ra sau một cuộc tranh luận tại Riksdagen (Quốc hội Thụy Điển) trước đó cùng ngày. Các nhà lập pháp Thụy Điển đã bày tỏ sự ủng hộ lớn đối với việc nước này gia nhập liên minh.
Theo kết quả một cuộc thăm dò công bố ngày 22/4, đa số người dân Thụy Điển ủng hộ việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cuộc thăm dò do viện Novus thực hiện trong bối cảnh đảng Dân chủ Xã hội (SD) cầm quyền nước này đang mở một cuộc tranh luận về việc liệu Thụy Điển có nên từ bỏ quan điểm không liên kết về quân sự hay không.
Kết quả cho thấy 51% người được hỏi ủng hộ nước này tham gia một liên minh quân sự, lần đầu tiên tỷ lệ này quá bán, tăng so với 45% trong cuộc thăm dò cách đây một tuần. Các cuộc thăm dò gần đây do các viện thăm dò khác thực hiện cũng cho thấy đa số ủng hộ. Viện Novus cho rằng quan điểm của người dân hiện bị ảnh hưởng của cuộc tranh luận trong NATO về nước láng giềng Phần Lan.
Nhiều chuyên gia phân tích dự báo Phần Lan cuối cùng sẽ đệ đơn gia nhập tại hội nghị thượng đỉnh NATO tháng 6 tới. 64% người Thụy Điển trong cuộc thăm dò trên cho biết ủng hộ gia nhập NATO khi Phần Lan có động thái như vậy.
Ngay sau tuyên bố trên, Pháp đã ngay lập tức lên tiếng ủng hộ việc Thụy Điển trở thành một thành viên NATO. Trước đó, hôm 3/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tái khẳng định sự hợp tác với hai nước cũng như ủng hộ mạnh mẽ hai quốc gia Bắc Âu này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tại cuộc họp Nội các Đức kéo dài trong hai ngày 3-4/5 ở lâu đài Meseberg, Thủ tướng Scholz muốn thảo luận với lãnh đạo các bộ ngành cũng như Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson về cách thức phản ứng với Nga liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine, tác động của cuộc xung đột ở Ukraine đối với chính sách an ninh của châu Âu cũng như tác động của quá trình chuyển đổi do biến đổi khí hậu đối với mô hình kinh tế Đức. Lãnh đạo một số viện nghiên cứu kinh tế Đức cũng tham gia cuộc thảo luận.
Phát biểu tại một cuộc họp báo bên cạnh hai người đồng cấp Phần Lan và Thụy Điển, Thủ tướng Scholz cam kết sự ủng hộ của Đức nếu hai nước nộp đơn gia gia nhập NATO. Theo nhà lãnh đạo Đức, nộp đơn xin gia nhập NATO là do Phần Lan và Thụy Điển tự quyết định.
Trước động thái các nước Thụy Điển và Phần Lan công khai ý định tham gia liên minh quân sự NATO, ngày 16/5, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moskva đang theo dõi sát tiến trình xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, đồng thời cho rằng quyết định trên không giúp củng cố cấu trúc an ninh châu Âu.
Phát biểu với giới báo chí, ông Peskov cho biết Moskva không tin rằng quyết định gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển sẽ giúp củng cố hay cải thiện cấu trúc an ninh châu Âu. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, khiến Moskva quan ngại và sẽ cẩn trọng theo dõi những hậu quả có thể xảy ra đối với an ninh của Nga nếu hai nước Bắc Âu gia nhập NATO. Ông Peskov cũng nêu rõ so với Ukraine thì hai nước Bắc Âu không có tranh chấp lãnh thổ với Nga.
Trước đó cùng ngày, hãng tin Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng phương Tây không nên nghĩ rằng Moskva chỉ đơn thuần chịu đựng việc NATO mở rộng địa bàn, cho rằng đó là một sai lầm có thể kích động căng thẳng quân sự.