Theo bà Lê Thị Bé, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương, thống kê sơ bộ hiện toàn huyện có khoảng 170 ha rau màu bị thiệt hại sau khi thủy điện Đa Nhim xả lũ. Các địa phương có diện tích rau bị ngập nặng gồm xã Lạc Xuân, Lạc Lâm, thị trấn Đ’Ran, Thạnh Mỹ…, trong số đó có cả diện tích rau màu mới được gieo trồng và diện tích rau đang cho thu hoạch. Do bị ngập nước trong thời gian lâu, hầu hết số diện tích rau màu trên có khả năng mất trắng, khó hồi phục lại.
Ghi nhận của phóng viên ngày 3/1, tại vùng rau Đơn Dương - vựa rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng vẫn còn nhiều diện tích hoa màu sát bờ sông Đa Nhim bị ngập trong nước. Bên cạnh đó, hàng trăm ha rau vừa trải qua cơn “đại hồng thủy”, nay xác xơ và tan hoang. Nhiều vườn cải thảo, đậu leo sắp cho thu hoạch đã bị cuốn bay hoặc chìm dưới lớp cát dày đặc.
Đây hầu hết là những diện tích rau vụ Đông Xuân, được các nhà vườn gieo trồng phục vụ Tết Nguyên đán 2019 sắp tới. Ông Lộc Chạch Sánh (thôn Lạc Xuân 2, xã Lạc Xuân, Đơn Dương) cho biết, gia đình ông có khoảng 3 ha rau màu chuẩn bị cho thu hoạch nhưng giờ đây hầu hết đã bị nước lũ cuốn bay, thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Một vườn hành tây của người dân xã Lạc Xuân (Đơn Dương) bị ngập trong nước lũ. |
Trước đó, từ 14 giờ ngày 29/12/2018, Nhà máy thủy điện Đa Nhim bắt đầu phát thông báo xả lũ với lưu lượng 25 m3/giây. Do lượng nước đổ về hồ ngày càng lớn nên đơn vị này liên tục thông báo xả lũ với lưu lượng tăng rất nhanh, đến 21h45 phút cùng ngày đạt ngưỡng 350m3/giây và đến 8h15 ngày 30/12 giảm xuống còn 300m3/giây.
Nước lũ đổ về nhanh đã khiến 6 người dân địa phương bị mắc kẹt trong đêm 29 và sáng 30/12/2018 nhưng đã may mắn được lực lượng chức năng giải cứu kịp thời.
Đến sáng 3/1, hồ thủy điện Đa Nhim vẫn xả lũ với lưu lượng 75 m3/giây xuống phía hạ lưu. Đến chiều cùng ngày, lượng nước được điều chỉnh giảm còn 25 m3/giây.