Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia cho biết trên mạng xã hội X rằng một con tê giác cái mới được sinh ra tại tại Công viên Quốc gia Way Kambas trên đảo Sumatra vào cuối tuần qua.
Theo Tổ chức Tê giác Quốc tế (IRF), tê giác Sumatra từng được tìm thấy với số lượng lớn trên khắp Đông Nam Á, nhưng chỉ còn chưa tới 80 cá thể hiện sinh sống ngoài tự nhiên r rải rác khắp lãnh thổ ndonesia.
Những bức ảnh được các nhà chức trách Indonesia chia sẻ cho thấy con tê giác sơ sinh nặng khoảng 27 kg, phủ đầy lông đen và đứng bên cạnh con mẹ.
Trong một bức ảnh, người ta thấy tê giác mẹ Ratu đang huých nhẹ đứa con sơ sinh của mình. Chỉ sau 45 phút từ khi chào đời, tê giác con đã có thể đứng dậy và bắt đầu bú mẹ trong vòng 4 giờ.
Tê giác Sumatra là loài tê giác nhỏ nhất thế giới, cao khoảng 1,5 m, sở hữu chiều dài cơ thể trung bình khoảng 2,5 m.
Tê giác mẹ Ratu bên cạnh con non sơ sinh. Ảnh: Reuters |
Được bao phủ bởi một lớp lông mềm, tê giác Sumatra có quan hệ gần gũi với loài tê giác lông cừu đã tuyệt chủng hơn các loài tê giác khác trên thế giới.
Theo IRF, tê giác Sumatra thường sống trong rừng nhiệt đới rậm rạp, cả vùng đất thấp và vùng cao nguyên trên đảo Sumatra và thường sống đơn độc trong tự nhiên. Con cái sinh ra một con non cứ sau 3-4 năm và thời gian mang thai có thể kéo dài từ 15 đến 16 tháng.
Mất môi trường sống đã khiến sự sống của loài vật này bị đe dọa nghiêm trọng.
“Khi loài vật sống ẩn dật này biến mất sâu hơn trong các khu rừng rậm rạp, việc nhìn thấy trực tiếp chúng đã trở nên hiếm hoi hơn", tổ chức IRF cho biết. “Tia sáng hy vọng cho loài này là chương trình nhân giống tại Khu bảo tồn tê giác Sumatran… đã sinh ra 3 con non và tiếp tục nỗ lực nhân giống để tạo ra một quần thể tê giác được bảo vệ".
Tê giác Sumatra được tuyên bố tuyệt chủng cục bộ ở Malaysia vào năm 2019.