Trong báo cáo công bố ngày 12/1, Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) cho biết đến năm 2019, tỷ lệ bệnh nhân ung thư tử vong đã giảm 32% so với mức đỉnh điểm của năm 1991. Mức giảm này tương đương khoảng 3,5 triệu bệnh nhân ung thư đã thoát khỏi "lưỡi hái tử thần". Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, trung bình mỗi năm, tỷ lệ tử vong do ung thư tại Mỹ giảm 1%. Trong giai đoạn 2015-2019, tỷ lệ này đã tăng lên mức 2%.
Theo ACS, thành công này có được nhờ số người hút thuốc lá giảm, kéo theo số lượng các bệnh nhân ung thư phổi và các loại ung thư liên quan đến thuốc lá giảm. ACS cho biết ung thư phổi là nguyên nhân cướp đi nhiều sinh mạng nhất so với các loại ung thư khác.
Ngoài yếu tố trên, báo cáo của ACS chỉ rõ tỷ lệ tử vong do ung thư tại Mỹ trong những năm gần đây giảm là nhờ tiến bộ y học trong công tác hỗ trợ chẩn đoán sớm và điều trị. Theo tổ chức này, những tiến bộ y học sẽ giúp thế giới đạt mục tiêu không còn bệnh ung thư. Trong những năm gần đây, nhiều bệnh nhân ung thư phổi đã được chẩn đoán bệnh và điều trị ngay trong giai đoạn đầu, do vậy thời gian sống của họ đã được kéo dài. Nếu như vào năm 2004, chỉ có 21% số bệnh nhân ung thư phổi sống được 3 năm sau khi phát hiện bệnh, đến năm 2018, tỷ lệ này đã tăng lên 31%.
Tuy nhiên có một thực tế, mặc dù các phương pháp điều trị đã được cải thiện cùng với năng lực chẩn đoán sớm qua hình ảnh đã giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư nhưng vẫn còn sự chênh lệch về tỷ lệ tử vong giữa các nhóm người và các loại ung thư. Cụ thể, phụ nữ da màu có nguy cơ tử vong do ung thư vú cao hơn tới 41% so với phụ nữ da trắng, ngay cả khi tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm người này thấp hơn nhóm kia tới 4%. Nhóm người Mỹ gốc Ấn và cộng đồng thổ dân tại Alaska có tỷ lệ người mắc ung thư gan cao nhất so với với bất cứ nhóm người bản địa nào tại Mỹ và cao gấp đôi so với người da trắng. ACS chỉ ra nguyên nhân dẫn tới khác biệt này là sự chênh lệch giàu nghèo, trình độ giáo dục và chất lượng sống.
Thêm vào đó, ACS cũng nhấn mạnh đại dịch COVID-19 hoành hành suốt hơn 2 năm qua đã ảnh hưởng tới hoạt động khám chữa bệnh nói chung và các bệnh nhân ung thư nói riêng. Việc trì hoãn kế hoạch thăm khám và chữa bệnh có thể khiến bệnh trở nặng ở các bệnh nhân ung thư nhóm da màu.
Báo cáo của ACS cho biết ung thư là căn bệnh gây ra số ca tử vong cao thứ hai tại Mỹ, sau các bệnh về tim mạch. Tổ chức này dự báo trong năm 2022, Mỹ sẽ có khoảng 1,9 triệu bệnh nhân ung thư mới và gần 610.000 bệnh nhân ung thư tử vong, tương đương khoảng 1.670 ca tử vong/ngày. Tuy nhiên, ACS nhấn mạnh có 42% số ca dự báo mắc ung thư hoàn toàn có thể phòng tránh được do có thể kiểm soát các yếu tố dẫn tới nguy cơ mắc bệnh như thói quen hút thuốc lá, lạm dụng đồ uống có cồn, béo phì, suy dinh dưỡng và lười vận động.