Hôm thứ Năm tuần trước, ByteDance, công ty mẹ của TikTok tại Trung Quốc, thông báo đã bắt đầu triển khai tính năng tự động gắn nhãn cho nội dung do AI tạo ra được chia sẻ từ các nền tảng khác, việc này thực hiện bằng cách phát hiện siêu dữ liệu được gán cho hình ảnh hoặc video. Công ty cho biết tính năng sẽ sớm được mở rộng sang nội dung âm thanh.
Trong năm qua, Douyin và TikTok đã yêu cầu người dùng dán nhãn cho các nội dung AI được tải lên nền tảng của họ. Riêng TikTok đã tự động dán nhãn cho dạng nội dung này trong ứng dụng.
Sáng kiến tự động gắn nhãn nội dung của AI trên TikTok độc lập với Douyin, mặc dù cả hai đều thuộc sở hữu của ByteDance. Theo một nguồn tin thân cận, lý do là vì hai ứng dụng hướng đến các thị trường khác nhau.
Công nghệ gắn thẻ nội dung AI do C2PA (Liên minh về nguồn gốc và tính xác thực của nội dung) phát triển đính kèm siêu dữ liệu chống can thiệp vào tất cả các loại nội dung, giúp việc truy xuất nguồn gốc trở nên dễ dàng hơn.
Nhiều "ông lớn" công nghệ như Google, Meta Platforms, Adobe và OpenAI đang hưởng ứng và đều đã tuyên bố kế hoạch triển khai kỹ thuật "xác thực nội dung" của C2PA. TikTok cũng cho biết vào thứ Năm rằng sẽ áp dụng kỹ thuật này trong những tháng tới, để các nền tảng khác có thể xác minh nội dung được đăng lại từ ứng dụng.
Mặc dù rất hữu ích, việc gắn thẻ siêu dữ liệu chưa hoàn hảo vì chưa thể xác định được tất cả các nội dung của AI và vẫn còn cách để “qua mặt” tính năng này, chẳng hạn như chụp ảnh màn hình. Tuy nhiên, theo C2PA, kỹ thuật "xác thực nội dung" sẽ giúp nhận dạng các tệp tin không có dữ liệu lịch sử.
Với hơn 600 triệu người dùng hoạt động hàng ngày, Douyin đã triển khai một sáng kiến tương tự tại Trung Quốc. Vào tháng 5 năm ngoái, nền tảng này đã công bố một tiêu chuẩn để thêm nhãn và siêu dữ liệu vào nội dung AI, nhưng nó vẫn chưa được áp dụng rộng rãi.
Những nỗ lực này diễn ra trong bối cảnh công chúng trong và ngoài Trung Quốc ngày càng quan tâm đến tác động tiêu cực của AI.
Ví dụ, đầu năm nay, Douyin đã nhận được khiếu nại từ một YouTuber từ Ukraine. Người này cho biết khuôn mặt và giọng nói của cô đã bị sao chép để tạo video về một người phụ nữ Nga giả mạo bán hàng ở Trung Quốc. Nữ YouTuber tức giận không chỉ vì danh tính bị đánh cắp, mà còn vì đất nước của cô đang trong tình trạng xung đột với Nga.
Ngoài ra, vào năm ngoái, một thương hiệu thời trang Trung Quốc đã bị chỉ trích vì sử dụng AI để thay đổi khuôn mặt của nhân viên bán hàng thành nữ diễn viên Dương Mịch trong một buổi livestream.