“Khủng long 6 sừng” có tên gọi chính thức là kỳ giông Mexico hay giông Axolotl. Ở Việt Nam, mốt chơi giông Axolotl bắt đầu xuất hiện từ năm 2010. Vì độ hiếm của nó nên mỗi con giông nhỏ bằng ngón tay có giá lên tới cả triệu đồng. Đã từng có thời điểm mỗi con giông Axolotl có giá bán vài triệu đồng một con.
Sau một thời gian tạm lắng, mốt chơi kỳ giông Mexico lại sốt trở lại ở Hà Nội. Dù có giá bán khá đắt đỏ nhưng “khủng long 6 sừng” vẫn được nhiều dân chơi cá cảnh săn lùng bởi dáng vẻ độc đáo và kỳ quái của nó. Hiện tại kỳ giông Mexico ở Hà Nội luôn trong tình trạng “cháy hàng”, cá nhập về không kịp để bán.
Kỳ giông Mexico có tên khoa học là Ambystoma mexicanum, tuy thuộc lớp động vật lưỡng cư nhưng đây là một loài kỳ giông kéo dài tính trạng thơ ấu. Ấu trùng loài này không thể trải qua giai đoạn biến thái, do đó con trưởng thành vẫn ở trong nước và có vây ngoài.
Kỳ giông Mexico có diện mạo hết sức kỳ lạ. Chúng tuy có mắt nhưng hoàn toàn mù tịt và không có mí. Hầu hết kỳ giông có màu xanh đậm hoặc đen, một số có thể có màu trắng nếu sống trong môi trường nuôi nhốt.
Mỗi con kỳ giông trưởng thành có thể dài tới 30,5cm và nặng 3,6kg. Những con kỳ giông thường sống đơn độc, ngoại trừ mùa giao phối. Khi tới mùa sinh sản, kỳ giông cái có thể đẻ từ 300-1.000 trứng.
Để bảo vệ bản thân, kỳ giông thường sống dưới đáy sông để tránh những động vật ăn thịt khác. Kỳ giông Mexico thường được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu khoa học bởi chúng có khả năng tái tạo cơ thể vô cùng hoàn hảo. Không những có thể tái mọc chi và đuôi, kỳ giông còn có khả năng tự phục hồi trái tim và bộ não.
Kỳ giông Mexico sống ở nhiệt độ 12-20 độ C, tốt nhất là 17-18 độ C. Với tất cả các động vật biến nhiệt, nhiệt độ thấp hơn khiến trao đổi chất chậm hơn, nhiệt độ cao hơn có thể dẫn tới căng thẳng và tăng sự thèm ăn. Kỳ giông Mexico có thể ăn nòng nọc, côn trùng mềm, sâu, cá nhỏ, thịt cá hồi, tép nhỏ và những miếng thịt sống, thỉnh thoảng có thể cho ăn tim bò.
Chất clo thường có trong nước máy được cho là không tốt với kỳ giông Mexico. Khi nuôi kỳ giông Mexico, người ta thường cho muối vào để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Do thân kỳ giông khá mỏng manh, sừng mềm và dễ tổn thương nên khi nuôi không nên sờ và bắt chúng nhiều, không nên nuôi chung với những loài cá có tính sát khí và hay rỉa.
Quần thể tự nhiên của loài kỳ giông đang cực kỳ nguy cấp. Tính đến 2010, kỳ giông Mexico hoang dã gần như đã tuyệt chủng do xu hướng đô thị hóa và ô nhiễm nguồn nước ở Mexico.
Danh Tuyên