* * *
Nhưng việc mưu cầu hạnh phúc của những người tuổi xế chiều lại không hề đơn giản, đặc biệt đối với những người không có lương hưu rủng rỉnh hay nhà cửa ổn định.
Ông Zhang Daisheng, 65 tuổi, góa vợ, muốn tìm một người phụ nữ sắc sảo và trong một vài lần lui tới công viên Changpuhe, đã gặp một người như mong muốn. Sau khi trao đổi qua, người phụ nữ đề nghị với ông Zhang: “Nếu ông nghĩ chúng ta thực sự thành đôi, thì hãy tìm một nơi riêng tư để trò chuyện tiếp, thay vì ở công viên”. |
Ông nhận ra rằng người phụ nữ này đang coi mình như “cá đã mắc câu”, nhưng sợ bị người khác chiếm mất. “Cô ấy hết sức thông minh và có tiêu chí rõ ràng”, ông Zhang nhận xét. Tuy nhiên, mặc cho khởi đầu đầy hứa hẹn, mối quan hệ giữa hai người lại không đi đến đâu, vấn đề nằm ở lương hưu của hai người. Trước khi nghỉ hưu, ông Zhang là một doanh nhân và khi về già, ông có một khoản lương hưu 5.000 nhân dân tệ hàng tháng. “Trong khi đó, cô ấy chỉ có khoản lương hưu ít ỏi 2.000 nhân dân tệ. Tôi muốn tìm một người có mức lương hưu tương đương với mình để cả hai có thể thoải mái đi du lịch hoặc sinh sống ở đảo Hải Nam vào mùa đông. Tôi không muốn hạ thấp mức sống của mình. Ngoài ra, nếu cả hai đến với nhau, cô ấy sẽ để ra khoản lương hưu của mình và sống dựa vào khoản tiền của tôi” - ông Zhang thẳng thắn chia sẻ.
Những buổi sáng mùa đông lạnh lẽo, những cuộc trò chuyện tương tự có thể được nghe thấy khắp các dãy ghế ở công viên Changpuhe. Một người đàn ông 77 tuổi trao đổi ngắn gọn thông tin với một người phụ nữ, sau đó nói: “Hãy tiếp tục nói chuyện ở một nơi khác, gặp được bà ở đây thực sự là định mệnh”.
Vào mỗi thứ Ba và thứ Bảy hàng tuần, những người đàn ông và phụ nữ lớn tuổi từ khắp Bắc Kinh tụ tập tại công viên bên bờ sông này để trò chuyện, khiêu vũ, ngắm cảnh và cố gắng tìm người gắn bó trong những năm tháng còn lại. Đây là một cơ hội hiếm có cho những người độc thân cao tuổi ở Trung Quốc được giải tỏa nhu cầu tình cảm, khi những quan niệm xã hội và lễ giáo truyền thống đã có lúc ngăn cấm họ thoải mái tìm kiếm bạn đời ở nửa sau của cuộc đời.
Theo thống kê vào năm 2010 của tờ Nhân dân nhật báo, 47 triệu người cao tuổi ở Trung Quốc sống trong cảnh góa bụa, tương ứng với 27% người cao tuổi Trung Quốc. Trong số những người độc thân cao tuổi này, có tới 80% số người khi được hỏi đều mong muốn được tái hôn, nhưng chưa đến 10% hiện thực hóa được ước mơ này.
Ông Zhang lần đầu đến công viên Changpuhe ở Bắc Kinh vào tháng 9 năm nay, sau khi chuyển từ thành phố Đại Liên đến để ở bên con gái khi vợ ông qua đời. Vợ chồng ông yêu nhau từ thời trung học, tốt nghiệp cùng nhau năm 1973. Ông cho biết mình vẫn nhớ về người vợ cũ quán xuyến của mình. “Tôi không bao giờ có thể quên cô ấy”, người đàn ông vừa nói vừa vuốt màn hình điện thoại để tìm những bức ảnh cũ. “Tôi vẫn cảm thấy buồn khi nhìn vào những tấm hình của cô ấy. Tôi không nỡ vứt bỏ những kỷ vật của vợ mình”. |
Kể từ khi vợ mình qua đời, ông Zhang luôn cảm thấy cô đơn. “Trước đây, dù cô ấy ốm thì tôi vẫn luôn túc trực bên giường bệnh. Còn hiện tại, tôi cảm thấy trống rỗng khi trở về nhà”. Khi nghe về một nơi giúp nguôi ngoai nỗi cô đơn, ông Zhang đã đánh liều tới công viên Changpuhe. “Những người khác nghĩ rằng tiêu chuẩn của tôi là quá cao”, ông nói. Sau khi vợ Zhang qua đời, một người bạn cùng lớp đã giới thiệu cho ông với một người phụ nữ góa chồng ở Đại Liên. “Cô ấy là một viên chức đã nghỉ hưu, với mức lương hưu 8.000 nhân dân tệ và có ít nhất 3 ngôi nhà. Chúng tôi có mọi thứ mình muốn khi còn trẻ”.
Nhưng chuyện giữa hai người đã không thành, ông Zhang tiếp tục thử vận may tại Changpuhe, nhưng cho đến nay vẫn chưa ai có mức lương hưu phù hợp với yêu cầu của người đàn ông 65 tuổi.
Các yếu tố như đồng điệu về cảm xúc và tính cách không đứng đầu trong danh sách ưu tiên của những người già tại công viên Changpuhe. Thay vào đó, tình trạng tài chính mới là quan trọng nhất, tiếp theo việc con và gia đình. Những người có con cái đã kết hôn, ở riêng sẽ được ưu tiên do không còn gánh nặng nào cần san sẻ.
“Những điều kiện này thực sự nực cười”, bà Pang (50 tuổi), quê ở tỉnh Hồ Nam, người thường xuyên lui tới công viên này trong 10 năm qua mà không tìm thấy được người bạn đời phù hợp, nói. “Người dân ở đây, đặc biệt là đàn ông, sống quá thiên về vật chất”, người phụ nữ chia sẻ. “Một khi họ thấy bạn đến từ một nơi khác và không có thu nhập ổn định, họ thậm chí không thèm liếc nhìn lần thứ hai”.
Pang đã ly dị chồng vào năm 2003 bởi bà không thể chịu đựng được những cấm cản vô lý mà ông chồng đặt ra cho bà, thậm chí ông này cấm vợ nhuộm tóc. Thế nhưng khi sống cảnh độc thân, người phụ nữ 50 tuổi lại phải đối mặt với những rào cản mới trong hành trình tìm kiếm một mối quan hệ mới. Bà Pang phàn nàn rất nhiều về xã hội hiện đại Trung Quốc, rằng ngày nay mọi người sống quá thực tế. Thậm chí, một vài người trong công viên khi nghe qua chia sẻ của bà Pang đã không giấu được những nụ cười thiếu tế nhị.
“Có một người đàn ông nói với tôi rằng ở đây, người ta chỉ muốn tìm kiếm những mối quan hệ “môn đăng hộ đối”. Nếu tôi từng làm công nhân, hãy tìm kiếm một công nhân khác, nếu tôi làm công chức, người kia cũng phải ở trong nhà nước. Tôi chỉ được tìm hiểu những người có cùng điều kiện kinh tế với mình”, bà Pang hồi tưởng. “Tôi sẵn sàng chọn một người nông dân nếu phù hợp với mình”, người phụ nữ bày tỏ quan điểm.
“Những người đàn ông hiện đại hiếm khi muốn có một mối quan hệ tình cảm sâu đậm”, bà Pang nói. “Hãy nhìn những người đàn ông trong độ tuổi 60 hoặc 80 ở đây, rõ ràng họ tới công viên này để tìm một cô y tá để chăm sóc cho mình”.
Khi bắt đầu nói chuyện, cánh đàn ông tại công viên Pangchuhe thường hỏi về chuyện lương hưu hoặc nhà cửa, và sau đó sẽ hỏi về tình trạng sức khỏe của đối phương. Theo một số phụ nữ trong công viên, những người đàn ông ở đây luôn mong muốn tìm kiếm những người trẻ trung hơn mình.
Công viên Pangchuhe không phải nơi duy nhất để người cao tuổi Bắc Kinh có cơ hội tìm kiếm một nửa của mình. Đài Truyền hình Bắc Kinh từ năm 2009 đã tổ chức một chương trình mai mối mang tên “Lựa chọn”, đối tượng là những người cao tuổi có nhu cầu tình cảm. |
“Những người đàn ông tham gia chương trình thường có điều kiện kinh tế, họ có nhà cửa, lương hưu, địa vị xã hội và tài năng - như các quan chức, giáo viên, bác sĩ”, theo nhà sản xuất chương trình Zu Simiao. “Còn những người phụ nữ thường có ngoại hình trẻ trung hơn so với tuổi thật, tính cách dịu dàng”.
Ông Zu nói rằng người cao tuổi có những nhu cầu khác với người trẻ, nhiều người chỉ đơn giản là muốn tìm cách thoát khỏi sự cô đơn của họ, nhưng cũng có những người chỉ muốn tìm kiếm một chỗ dựa tài chính.
Nhà sản xuất cho biết, người cao tuổi đặt ra các tiêu chuẩn khắc nghiệt hơn cho đối phương của mình so với người trẻ tuổi, bởi vì họ phải cân nhắc nhiều yếu tố. Ví dụ, những người đã có nhà có xu hướng tìm kiếm một người cũng có nhà cửa, để tránh xung đột thừa kế giữa những người con riêng trong tương lai.
“Họ muốn rằng sau khi qua đời, con cái mình sẽ được hưởng toàn bộ tài sản và hầu hết người cao tuổi quan tâm sâu sắc đến những gì con cái họ nghĩ và không muốn làm phiền lòng con cái, bởi vì người cao tuổi Trung Quốc vẫn phải sống phụ thuộc vào con cái”, ông Zu nói. Thậm chí từng có trường hợp một người đàn ông trước khi chuẩn bị ghi hình đã bị cháu gái tới tận trường quay để phản đối, nằng nặc đòi ông mình về nhà vì lý do xấu hổ với bạn bè.
Quay trở lại công viên Changpuhe, một phụ nữ tên Zheng cho biết một số người đàn ông đến đây chỉ để tìm cách giải tỏa nhu cầu sinh lý. “Vài năm trước, một người đàn ông đã mời tôi đến nhà ông ta và có hành động khiếm nhã ngay sau cánh cửa. Tôi đã bỏ về ngay sau đó”, bà Zheng nhớ lại.
“Nếu họ thực sự muốn ở bên tôi, họ nên tìm hiểu con người thật của tôi và không nên yêu cầu đối phương về nhà ngay lập tức. Ít nhất thì tôi nghĩ vậy. Chúng ta cần xem xét liệu tính cách của cả hai có phù hợp hay không”.
Theo bà Zheng, người phụ nữ rất nhạy cảm khi bắt đầu một mối quan hệ mới. “Tôi từng hẹn hò với một người đàn ông tỏ ra rất lịch thiệp. Chúng tôi dùng cà phê tại nhà ông ấy. Mọi thứ đều ổn cho đến khi tôi nghe ông ấy nói chuyện điện thoại với người nhà và nhắc tới tôi với giọng điệu bề trên như thể tôi là chẳng là gì so với ông ấy”, bà Zheng cho biết đã chấm dứt mối quan hệ này ngay lập tức.
Sau nhiều năm tìm kiếm một người bạn đời phù hợp với mình, bà Zheng cho biết mình không đặt kỳ vọng quá cao. “Mức độ cô đơn cao nhất là bạn có thể tận hưởng nó. Tôi nghĩ tôi đã ở mức đó rồi” - người phụ nữ chia sẻ.