Tôi đi học

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Buổi sớm mùa thu năm 1989. Tôi vẫn mang cần câu đi dọc con mương trong xanh ngay trước cửa nhà. Bên hông là cánh đồng lúa đang thì vào đòng, lúa chen nhau đứng dậy, mơn mởn xanh. Khi có cơn gió nhẹ, sóng lúa dạt một vòm như cánh sóng chẳng hẹn mà cùng xô tới, rồi chạy miên man, hệt như hình ảnh những thiếu nữ cúi người làm duyên, tạo một cảm giác vừa yểu điệu nhưng lại khá kiêu kỳ...
Tôi đi học

Trong chiếc vợt cầm tay, mấy con ngóe vừa câu được nhảy lao xao, cọ vào lớp túi nilon tạo ra những tiếng xộn xạo nhóc nhách rất vui tai.

Mẹ đi chợ về, đến đoạn đầu dốc thì sẽ nghiêng một bên người khiến hông lệch xuống khỏi yên xe, chân sà xuống đất, rồi gót chiếc dép cà xuống mặt đất tạo thành một lực cản khiến chiếc xe chậm lại. Có thể do mẹ nhỏ bé, chân không với được mặt đất nếu ngồi trên yên chiếc xe hai khung, hoặc cũng có thể phanh xe đã mòn vẹt, không ăn vào chiếc vành xe bằng nhôm nặng nề. Khi xe chưa dừng lại, tiếng của mẹ đã đến trước: “Lên mẹ chở đi khai giảng”.

Nghe theo tiếng mẹ giục, tôi nhảy lên gác-ba-ga chiếc xe cũ kỹ, thiếu ốc ở gác-đờ-bu khiến tới những đoạn đường xóc, chiếc xe lại phát ra những tiếng rẹt rẹt như tiếng nhạc nền, trên tay vẫn cầm nguyên chiếc cần câu cong queo, và mấy chú ngóe con nhảy xôn xao trong vợt...

Trường làng nằm giữa cánh đồng. Chiếc cổng mốc rêu sau ba tháng hè nay được dịp mở rộng. Trong sân, đã đông đúc lắm những lũ trẻ đủ lứa tuổi. Có những đứa ngày thường mày tao chí chóe, giành ăn nhau từ quả ổi xít tới hạt gấc trong trò chơi đáo, thế mà nay mặt nghiêm trang rất ra dáng, không thèm đáp lại dù tôi toét miệng cười, chào, ý chừng ra đây nó lớp lớn hơn, tôi là thằng nhãi nhép, giờ mới bước chân vào lớp Một.

Mẹ đã chuẩn bị sẵn cho tiếc túi dứa được khâu vá lại, dù mẹ vá rất khéo nhưng góc chiếc túi vẫn khá méo mó và dễ nhận ra bởi đó là một góc vải khác màu, khác chất liệu, không đồng loại với lớp cước màu xanh mà người ta dùng để dệt túi.

Thường ngày, chiếc túi này mẹ vẫn dùng đi chợ, khoác lên vai cho tiện, và nó sẽ đựng những đồ khô như muối, vừng, lạc..., còn đồ tươi như rau rợ, sẽ treo tòng teng trên ghi đông xe. Thế mà không hiểu kiểu gì, hôm nay hai chiếc quai đã được gập lại một đoạn khiến quai túi ngắn hơn, vừa khít với chiếc vai nhỏ bé của cậu chàng 7 tuổi.

Nhưng thân chiếc túi vẫn dài quá, mỗi lần bước đi, chiếc túi chao phải chao trái, rồi cuối cùng sẽ cọ vào tận mông của nó. Một vật nhọn nhọn, cưng cứng cọ vào mông, nhắc tôi nhớ đó là cuốn vở ô li và một cây bút chì đã được tiện một đầu, đầu còn lại vẫn vuông chằn chặn. Loại cây viết phổ thông, giá rẻ nhất: không có tẩy ở đầu!

Lớp học lố nhố mấy chục đứa trẻ, đứa nào cũng mắt tròn mắt dẹt nhìn xét chiếc phòng mà với chúng là quá lớn: những chiếc ghế băng dài cô giáo xếp 4 - 5 đưa ngồi chung. Chiếc bàn cũng dài như thế, có ngăn kéo chia ô, mặt bàn nếu không rỗ chằng chịt thì cũng chi chít những ký tự, những hình vẽ nguệch ngoạc của không biết bao nhiêu thế hệ đứa trẻ đã ngồi mài đít ở đây qua bao nhiêumùa trống!?

Góc lớp huyên náo bởi một nhóm bạo dạn hơn, sau này sẽ là những đứa nghịch và quậy nhất lớp, đang bê nguyên trò chơi gẩy dây chun mà chúng nó vẫn chơi thường ngày. Ấy là vì chúng nó “bắt sóng” được với những đứa bạn trong xóm ngẫu nhiên cùng lớp.

Một số đứa khác ngồi im re, mắt dáo dác, sợ hãi. Có đứa òa khóc nức nở... khi mẹ thả ở cửa lớp, rồi bắt tự đi vào. Hệt như những lũ chó con bị tách đàn, lần đầu tiên rời ổ để về nhà mới.

Rồi cuối cùng cô giáo cũng vào lớp. Cô nhịp ba nhịp cây thước tre dài, phía mặt cật đã lên nước bồ hóng loang loáng như được đánh vecni sẫm màu, tiếng gõ đanh và ngắn lên chiếc bàn hình vuông - bàn giáo viên được kê trên bục giảng. Lũ trẻ ngồi dưới im bặt, cố ngay ngắn thẳng lưng khiến chân đu đưa, nhiều đứa rơi dép, lại lúi húi chui xuống gầm bàn nhặt xỏ vào. Đa phần, chúng nhỏ bé hơn so với chiếc ghế khiến chân không chạm mặt đất.

Cô nói rất nhiều thứ, mà tựu trung, chúng chả nhớ được thứ gì vào trong đầu. Khoảng vài chục phút sau, chúng được phát cho những bộ sách giáo khoa thơm phưng phức mùi giấy mới, mùi mực in, được bó cẩn thận bằng sợi dây đay buộc chữ thập.

Bên ngoài cửa, những bà mẹ đứng lố nhố tranh nhau nghe từng lời cô dặn, về lịch đưa con đi dự mít tinh khai giảng vào ngày 5/9 tới, chuyện mặc quần đen áo trắng, tất cả đều dài tay chứ không được mặc quần đùi, áo may ô, đi chân đất như ngày hôm nay, hay mỗi nhà phải gấp cho co chiếc mũ canô bằng giấy để đội đầu.

Dọc con đường về, có thể lúc này đã đỡ nghẹn ngào hơn, ngồi trên gác-ba-ga của mẹ, bên trong chiếc túi dứa màu xanh trễ quai, mùi sách, mùi mực in dội lên tạo thành một mùi hương náo nức không gọi thành tên...

Bên đường, những cây bạch đàn lao xao trong gió thu nhẹ nhẹ. Bạch đàn bắt đầu thay vỏ, những mảnh vỏ cây khô lại, tách ra một màu vàng như sáp ong, bên trong lộ ra lớp vỏ mới trắng nõn nà mà bây giờ, tôi gọi tên là “đầy khêu gợi”...

Lưu ý đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024 với thí sinh tự do
Lưu ý đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024 với thí sinh tự do
(Ngày Nay) - Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, các thí sinh sẽ chính thức đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Trong đó, thí sinh tự do sẽ đăng ký dự thi trực tiếp, không phải trực tuyến như học sinh đang học lớp 12; địa điểm đăng ký dự thi do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định.
Vốn FDI thực hiện 4 tháng cao kỷ lục trong 5 năm
Vốn FDI thực hiện 4 tháng cao kỷ lục trong 5 năm
(Ngày Nay) - Theo Báo cáo kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng qua ước đạt 6.28 tỷ USD, tăng 7.4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là vốn FDI thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Nguy cơ đối với sức khỏe con người từ vi nhựa trong không khí
Nguy cơ đối với sức khỏe con người từ vi nhựa trong không khí
(Ngày Nay) - Vi nhựa được xem là chất gây ô nhiễm chính cho các đại dương và sự hiện diện của chúng trong không khí ít được biết đến hơn. Trong những năm gần đây ngày càng có nhiều lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn của vi nhựa đối với sức khỏe con người, nhưng những nghiên cứu về vấn đề này mới ở giai đoạn sơ khai.
Ảnh minh họa
Sự kế thừa, phát triển những giá trị của Quốc hiệu Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
(Ngày Nay) - Trải qua quá trình lao động sản xuất không ngưng nghỉ nhằm thích ứng với tự nhiên và ứng phó với những yếu tố bên ngoài, sự xuất hiện của quốc hiệu Việt Nam là thành quả nỗ lực lớn lao của cộng đồng người Việt, mở ra trang mới trong lịch sử dựng nước, giữ nước dân tộc ta.
Đoàn tàu của ngư dân Cảng Trần Đề (Sóc Trăng) đang di chuyển thỉnh Ông ngoài tại Lễ hội Nghinh Ông.
Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải thu hút du khách gần xa
(Ngày Nay) - Ngày 29/4, tại thị trấn Trần Đề, UBND huyện Trần Đề (Sóc Trăng) tổ chức lễ hội Nghinh Ông Nam Hải năm 2024. Đây là một trong những lễ hội lớn ở khu vực duyên hải Tây Nam Bộ, với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, biển lặng, gió hòa, ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.