1. Mấy tuần trước em Thảo bỗng nhiên nhắn, dự án Sân chơi cầu vồng vừa tròn một tuổi anh ạ. Em khoe đã xây dựng được sân chơi cho 300 trẻ em ở Tây Nguyên rồi.
Sân chơi cầu vồng là một dự án gây quỹ để tạo sân chơi cộng đồng cho trẻ em ở vùng cao; các bạn đã xây sân chơi ở những ngôi trường tại Lâm Đồng và Gia Lai, đang gây quỹ cho dự án ở Đăk Lăk.
Rồi Thảo cảm ơn vì những lời khuyên tôi đã đưa ra cách đây một năm, hồi dự án còn thai nghén.
Trong fanpage của Sân chơi Cầu vồng, tôi nhìn thấy em Thảo bật khóc trên sóng nhà đài, kể rằng mình đã quyên được 120 triệu, chưa bao giờ nghĩ có thể quyên được số tiền như thế. Thực ra, đó cũng là nỗi buồn của tôi. Trong gần 10 năm tham gia vào các dự án xã hội, đóng vai người môi giới, tôi gọi được quỹ cho nhiều thứ, cho hạ tầng giáo dục, cho dự án môi trường, hỗ trợ người yếu thế và tất nhiên cả người nghèo. Nhưng chưa bao giờ tôi gọi tài trợ thành công cho một dự án văn hóa-nghệ thuật-thể thao.
Chơi vẫn là cái gì đó phù phiếm. Các mạnh thường quân vẫn ưu tiên trao cái biển mica cho một cơ quan địa phương và mặc kệ số tiền này. Còn hơn là tài trợ một dự án sân chơi.
2. Đội tuyển futsal Việt Nam có một ông HLV trưởng người Argentina. Báo chí hay nhắc đến ông này với tư cách người đã đưa đội tuyển futsal Argentina lên chức vô địch World Cup đầu tiên trong lịch sử, năm 2016. Nhưng ít người biết rằng ông ấy còn là một nhà hoạt động vì “futsal quyền”.
Tôi đọc rất nhiều bài phỏng vấn Diego Giustozzi hồi mới nhậm chức. Ông này có một thói quen, là không từ cơ hội phỏng vấn nào, từ Argentina sang Tây Ban Nha, để kêu gọi cho futsal lên chuyên nghiệp. Hồi năm 2016, thậm chí phóng viên còn hỏi là, với ông thì chức vô địch World Cup với việc ra đời của Giải futsal Argentina thì cái nào làm ông tự hào hơn.
Câu này anh em nào đam mê một môn thể thao sẽ hiểu: Nếu bạn chơi, ví dụ, ba môn phối hợp hoặc billard chẳng hạn, Việt Nam đoạt một chức vô địch thế giới có thể sẽ không làm bạn vui bằng việc nước ta có một giải đấu của môn này.
3. Sở dĩ kể hai câu chuyện về Sân chơi Cầu vồng và giải futsal cạnh nhau, vì gần một thế kỷ trước, futsal ra đời ở các đô thị nghèo Nam Mỹ. Nó ra đời vì những đô thị chật chội không đủ không gian làm sân bóng đá tiêu chuẩn - và những thiếu niên vẫn cần môn chơi của riêng mình. Người ta tin rằng futsal và túc cầu nói chung đã cứu rỗi nhiều linh hồn thanh niên Brazil.
Giải futsal HDBank năm nay có bức tranh rất sáng sủa theo tiêu chuẩn của Diego. Giải vô địch quốc gia giờ đã thi đấu theo thể thức league, có lượt đi và lượt về, và lần đầu tiên trong lịch sử giải đấu có cả cầu thủ ngoại. Nhiều trận khán giả lấp kín các khán đài. Rồi Diego đang đặt mục tiêu đưa Việt Nam thêm một lần nữa dự World Cup.
Vẫn không có nhiều nhà tài trợ thực sự quan tâm đến các môn chơi và tôi vẫn rất khó giải thích cho những người xung quanh hiểu rằng tại sao, mỗi lần thấy có một môn chơi có thêm đất diễn, có nhà tài trợ, có thêm khán giả, tôi lại thấy vui.
Mười lăm năm trước, có anh bạn từ Hải Phòng lên hỏi tôi, dạo này ở Hà Nội chơi cái gì nhỉ, tao đang định kinh doanh. Tôi bảo tao thấy dạo này phong trào tennis đang lên. Nó bảo, ai hỏi cái đấy, tao đang hỏi là nó chơi cái gì cơ. Mất một lúc sau tôi mới hiểu đang bàn chủ đề gì.
Nội hàm của từ “chơi” trong hơn một thập niên qua vẫn bó ngày càng hẹp theo nét nghĩa này. Thậm chí còn tệ hơn, dạo này thanh niên còn hay chơi cả Forex.