Trong vài năm trở lại đây, hàng loạt ca phẫu thuật gây chết người liên tiếp xảy ra tại các cơ sở thẩm mỹ ở TP.HCM. Tuy nhiên, trách nhiệm của các Cơ quan chức năng mà đứng đầu là Sở Y tế ít được nhắc tới và gần như mờ nhạt khiến dư luận thất vọng thậm chí là phẫn nộ.
Dưới thời ông Nguyễn Tấn Bỉnh làm Giám đốc Sở Y tế, báo chí liên tục đưa tin về sự bát nháo của các cơ sở thẩm mỹ. Tuy nhiên, sau mỗi đợt thanh, kiểm tra rầm rộ thì đâu lại vào đó. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục sai phạm bởi những món lợi nhuận khổng lồ mà ngành dịch vụ này mang lại.
Tháng 8/2021, ông Tăng Chí Thượng được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Dư luận mong chờ một động thái mạnh mẽ từ người đứng đầu đơn vị để “dẹp loạn” ngành thẩm mỹ. Nhưng đã một năm trôi qua, hiện trạng phẫu thuật thẩm mỹ ở TP.HCM vẫn chưa có sự cải thiện nào đáng kể.
Những ca tử vong của khách hàng không chỉ ở các cơ sở làm đẹp chui mà có chiều hướng gia tăng tại các Bệnh viện thẩm mỹ. Chỉ trong thời gian ngắn, một loạt bệnh viện để xảy ra sự cố có người tử vong như: Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam, bệnh viện thẩm mỹ Emcas, bệnh viện thẩm mỹ Gangwhoo, bệnh viện thẩm mỹ Korea – Star Sao Hàn. Thậm chí, có Bệnh viện liên tục chết người và xảy ra nhiều vi phạm về nhân sự hành nghề như Korea – Star Sao Hàn.
Một quy trình mà Sở Y tế TP.HCM thường lặp lại mỗi khi người dân tử vong xảy ra đó là: Tiếp nhận vụ việc, hội đồng chuyên môn đưa ra kết luận và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra. Nhưng những ca tử vong sau đó lại cứ tiếp diễn từ năm này qua năm khác mà không một giải pháp triệt để nào được đưa ra. Phải chăng, trách nhiệm bảo vệ mạng sống của người dân khi đi làm đẹp tại các cơ sở y tế không thuộc thẩm quyền của Sở Y tế?!
Mặc dù, sau đó Sở Y tế đều có kết luận nhưng cho đến nay có rất nhiều vụ việc, các thông tin liên quan đến bác sĩ và ekip thực hiện ca phẫu thuật chưa được công khai. Chứng chỉ hành nghề, phạm vi chuyên môn của họ đều không được nhắc đến. Rất nhiều ca tử vong thương tâm sau phẫu thuật thẩm mỹ ở TP. HCM đã rơi vào quên lãng bằng cách “rút kinh nghiệm” mà rất ít bác sĩ bị khởi tố, không một Bệnh viện xảy ra những vụ chết người nào bị thu hồi giấy phép hoạt động.
Những ca phẫu thuật gây chết người trong ngành thẩm mỹ vẫn có thể tiếp tục xảy ra và mọi thứ đều xử lý theo quy trình “hợp lý” mà các bệnh viện đã và đang làm thì mạng sống của con người đáng giá bao nhiêu?! Chế tài nào của Pháp luật dành cho những cá nhân nói riêng và doanh nghiệp nói chung khi để những sự cố đau lòng xảy ra?!
Đồng thời, những đơn vị và cá nhân cán bộ có trách nhiệm quản lý trực tiếp như Sở Y tế TP.HCM sẽ phải nhận trách nhiệm gì khi quanh co, không thừa nhận thiếu sót trong việc cấp phép, quản lý các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phẫu thuật thẩm mỹ?! Tại sao, các cơ sở này không bị xử lý triệt để hay vấn đề “sân sau, sân trước” vẫn đang âm ỉ tồn tại đâu đó?
“Bài toán” ngành thẩm mỹ đang là một vấn đề nhức nhối và rất cần “lời giải” từ phía lãnh đạo ngành Y tế để người dân thấy sự tích cực trong việc xây dựng, quản lý ngành Y.