Những tháng cuối năm 2024, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm khai thác thế mạnh du lịch của thành phố Thủ Đức và các quận, huyện gắn liền với loại hình du lịch tiềm năng địa phương.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị về công tác phát triển du lịch do Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức ngày 9/8.
Cụ thể, ngay trong quý 3/2024, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2023-2025, trọng tâm là thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển du lịch đường thủy năm 2024.
Bên cạnh đó, ngành du lịch thành phố sẽ phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch nông nghiệp, sinh thái gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch ban đêm…
Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sở Y tế thực hiện kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch y tế; đẩy mạnh triển khai Chính sách phát triển du lịch MICE…, qua đó sẽ gia tăng sức hấp dẫn điểm đến, thu hút dòng khách có mức chi tiêu cao, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đưa khách MICE đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thời gian tới, công tác quản lý lữ hành-cơ sở lưu trú du lịch sẽ được đẩy mạnh với kế hoạch công nhận khu du lịch và điểm du lịch trên địa bàn thành phố năm 2024.
Đến nay, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng ở thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đã tăng không chỉ ở số lượng mà còn chất lượng. Chính quyền địa phương chủ động nghiên cứu, xây dựng sản phẩm, sau đó liên kết và kêu gọi doanh nghiệp du lịch-lữ hành cùng phát triển sản phẩm mới.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cũng chỉ ra rằng thách thức lớn nhất hiện nay đối với sản phẩm du lịch đặc trưng là làm sao để “sống” được trên thị trường và điều này cần sự kiên trì và quyết tâm của các bên.
Phía Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục tổ chức hoạt động truyền thông cho sản phẩm du lịch đặc trưng địa phương nhưng cần chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp chung tay phát triển sản phẩm du lịch thành phố. Điển hình, một số địa phương đã cho thấy sáng kiến liên kết sản phẩm “chéo” hoặc liên quận, huyện; quảng bá và tăng độ nhận diện sản phẩm…
Theo thống kê, tổng thu du lịch 7 tháng năm 2024 trên địa bàn thành phố đạt 108.004 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước và đạt 67,5% so với kế hoạch của năm.
Với kết quả này, đại diện các quận, huyện đánh giá ngành du lịch Thành phố có thể về đích và đạt mục tiêu đề ra trong năm 2024.
Hơn thế nữa, dự kiến trong những tháng cuối năm 2024, nhiều địa phương sẽ ra mắt sản phẩm du lịch ban đêm và du lịch đường thủy, góp phần kích cầu thị trường du lịch, thu hút khách đến với Thành phố Hồ Chí Minh.