Hơn 4 tháng lưu lạc
Sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em, Y Liên (sinh năm 2006, trú làng Kei Joi, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) là con gái lớn nên sớm phải vất vả, phụ giúp cha mẹ chăm lo các em.
Đầu tháng 4/2022, Y Liên theo chân các anh chị trong làng vào tỉnh Bình Dương, xin làm việc tại một xưởng gỗ. Cũng trong thời gian này, em được một người trên mạng xã hội Fcebook kết bạn, làm quen và giới thiệu công việc tại Campuchia.
“Người đó bảo em là sang bên đó làm app game, lương 20 triệu/tháng, em cũng không suy nghĩ gì mà đi luôn. Khi sang tới nơi em mới biết là không phải như thế mà làm một loại app khác. Người trong công ty đó nói nếu không làm việc được thì sẽ bị bán đi hoặc đóng thùng vứt ra biển; nếu làm trái quy định thì sẽ bị xử lý nên em rất lo lắng”, Y Liên nhớ lại.
Sang Campuchia, Y Liên phải làm việc từ 13-16 tiếng/ngày, chưa kể thời gian tăng ca. Nhiệm vụ của em là phải lên mạng xã hội kết bạn, lôi kéo được ít nhất một khách nạp tiền vào app trong một tháng, nếu không làm được thì em sẽ bị bán cho công ty khác. Do không đáp ứng được yêu cầu, Y Liên đã bị bán cho 6 công ty khác nhau với mức giá tăng dần, từ 1.800 USD ở công ty đầu tiên, lên 2.800 USD ở công ty thứ hai.
Trong suốt thời gian làm việc, do không tìm được khách nạp tiền vào app, Y Liên không được công ty trả lương. Em cho biết, chỉ một lần duy nhất em tìm được khách nên được trả tiền nhưng rất ít.
“Khi vào công ty, họ cho em ở trong một khu vực khép kín, trong đó có cửa hàng ăn uống và bán một số hàng tạp hóa khác, đủ để mình sinh hoạt. Các khu vực đều được canh phòng nghiêm ngặt, em không thể ra ngoài được. Điện thoại không được sử dụng và thường xuyên bị kiểm tra nên rất khó liên hệ được với gia đình. Em có mượn điện thoại của bạn cùng phòng để gọi về. Bên công ty bảo phải có đủ tiền chuộc mới được về, còn không thì cứ tiếp tục làm việc cho họ”, Y Liên kể.
Quyết tâm giải cứu
Ông A Van – bố của Y Liên cho biết, khi em vào Bình Dương làm việc, gia đình vẫn liên hệ được với em nhưng chỉ vài ngày sau đã không thể liên lạc được. Đến trưa 16/7, ông nhận được điện thoại của con với nội dung cần có 85 triệu đồng để chuộc mình. Không có tiền, ông chạy vạy khắp nơi để vay mà vẫn không đủ. Đúng lúc ấy, ông gặp cán bộ địa bàn của Đồn Biên phòng Đăk Xú và thông tin với lực lượng chức năng.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Đồn Biên phòng Đăk Xú đã khẩn trương báo cáo Bộ Chỉ huy, Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum quyết tâm tiếp cận, xác định vị trí, phối hợp với các lực lượng chức năng để giải cứu Y Liên.
Để thực hiện nhiệm vụ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh trong suốt quá trình trao đổi thông tin, xác minh đối tượng và trao đổi với lực lượng chức năng nước bạn trong vấn đề giải cứu nạn nhân.
“Quá trình giải cứu nạn nhân rất khó khăn, vì các công ty không cho sử dụng điện thoại. Vài ngày họ lại kiểm tra và xóa dữ liệu nên rất khó xác định được vị trí của nạn nhân. Ngoài ra, quá trình sinh hoạt, ăn uống khép kín, ra cửa thì có lực lượng bảo vệ có vũ khí rất đông nên nạn nhân không thể ra ngoài, không thể xác định được phương hướng”, Thiếu tá Bùi Công Huân - Đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, cho biết.
Dù gặp muôn vàn khó khăn song với quyết tâm cao của bản thân, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng Bộ đội Biên phòng hai tỉnh Tây Ninh và Kon Tum, sự giúp đỡ của lực lượng chức năng Campuchia, sau hơn một tháng triển khai kế hoạch giải cứu, ngày 20/8/2022, Y Liên đã được đưa về Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.
Khi về đến Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, Y Liên vẫn bị hoảng loạn, tâm lý không ổn định, hoang mang, lo lắng. Trong quá trình đưa về Kon Tum, qua 2 ngày, được các cơ quan chức năng, đặc biệt là người thân trong gia đình động viên, hỏi thăm, giúp đỡ, em đã bớt phần lo lắng và tư tưởng đã dần ổn định trở lại.
“Em mong muốn mọi người đừng nghe lời xúi giục để sang bên kia làm việc trái pháp luật nữa, vì những gì họ nói, họ lôi kéo mình đều không đúng thực tế đâu. Họ nói là lương cao, không bị bán đi nhưng thực tế không phải như vậy, họ sẽ làm tất cả vì lợi ích của họ thôi”, Y Liên chia sẻ.