Bức tranh có kích thước 230 cm x 165,5 cm là tác phẩm của họa sĩ người Anh Jonathan Yeo, người đã từng thực hiện các bức chân dung cho nhiều nhân vật nổi tiếng trong suốt sự nghiệp của mình, bao gồm cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, diễn viên Nicole Kidman và nhà hoạt động giáo dục Malala Yousafzai.
Họa sĩ Yeo được giao nhiệm vụ thực hiện tác phẩm từ khi Vua Charles vẫn còn là Hoàng tử xứ Wales. Bức chân dung mô tả vị vua mặc bộ lễ phục của Vệ binh xứ Wales cùng thanh kiếm trong tay với một con bướm bay lượn trên vai, tất cả chìm trong màu nền đỏ rực.
Yeo cho biết trong một tuyên bố được Điện Buckingham đưa ra: “Giống như con bướm bay lượn trong bức tranh, bức chân dung này đã tiến triển vì vai trò của Vua Charles đối với đời sống công chúng đã biến chuyển”
“Tôi luôn cố gắng hết sức để khắc họa những trải nghiệm và tính cách lên khuôn mặt của nhân vật trong tranh. Đối với dự án lần này, mục đích của tôi là đồng thời đề cập đến truyền thống vẽ chân dung hoàng gia, nhưng theo hướng tượng trưng cho chế độ quân chủ vào thế kỷ 21 và trên hết là truyền đạt tính nhân văn sâu sắc của chủ thể bức tranh.”
Yeo đã có bốn lần tiếp kiến nhà vua, đồng thời sử dụng các bức vẽ và ảnh chụp làm tư liệu để vẽ bức chân dung.
Tác phẩm được thực hiện nhằm kỷ niệm 50 năm Vua Charles trở thành thành viên của The Drapers' Company (hiệp hội thương nhân buôn bán vải len thành lập từ thời trung cổ, hiện tập trung vào hoạt động từ thiện) và sẽ được trưng bày trước công chúng từ ngày 16/5 đến ngày 14/6 tại phòng trưng bày Philip Mold ở London. Sau đó bức họa sẽ được treo tại phòng trưng bày Drapers’ Hall từ cuối tháng 8 cùng với các bức chân dung hoàng gia khác.
Nhà vua và hoàng hậu được cho là rất hài lòng với bức chân dung. Yeo chia sẻ với BBC rằng sau khi diện kiến bức tranh, Hoàng hậu Camilla đã nói: "Bức tranh trông giống y hệt ông ấy", trong khi Vua Charles "hơi ngạc nhiên trước màu sắc đậm, nhưng ngoài ra thì ông ấy có vẻ tán thành”. Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội sau khi bức tranh được công bố.
Bình luận dưới bài đăng về bức chân dung trên tài khoản Instagram của gia đình hoàng gia, một người dùng đã viết: “Bộ lễ phục và sắc đó giống như tái hiện trực quan của những vụ thảm sát do thực dân gây ra”.
Một người nói: “Tôi sẽ rất thích bức tranh này nếu nó được vẽ bằng bất kỳ màu nào khác ngoài màu đỏ. Họa sĩ thực sự khắc họa chính xác được nét mặt của Vua Charles, nhưng sắc đỏ đậm không phù hợp với biểu cảm nhẹ nhàng của ông ấy.” Một bài đăng khác có nội dung: “Nhìn ông ấy như đang lao thẳng xuống địa ngục”.
Nhà sử học nghệ thuật Richard Morris đã chia sẻ trên X: “Tôi thực sự thích bức chân dung… trước thời đại kỹ thuật số, để có được một họa sĩ tài giỏi khắc họa lại diện mạo thật của bạn, bạn phải chấp nhận tiết lộ hết những khuyết điểm của mình. Đó là những gì Yeo đã nắm bắt được ở đây.”
Tuy Jonathan Yeo chủ yếu vẽ tranh sơn dầu, ông đã từng thử sức với một hình thức hội họa khác là cắt dán. Vào năm 2007, sau khi dự án vẽ cựu Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush thất bại, ông quyết định thực hiện một tác phẩm khác mang ý “tôn kính một cách mỉa mai”.
Ông ghép các mảnh giấy cắt từ tạp chí khiêu dâm hạng nặng để tạo ra một bức chân dung của tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, một sự châm biếm về “sự ưu việt về mặt đạo đức của phe cực hữu trong chính trị Mỹ.”
Đây là tác phẩm đầu tiên trong bộ sưu tập gồm các bức họa mô tả những nhân vật nổi tiếng “được hiểu là đã đánh đổi đạo đức tình dục”, bao gồm Arnold Schwarzenegger, Sarah Palin, Silvio Berlusconi và nhà hoạt động bảo thủ người Anh Mary Whitehouse.
Đối với bức chân dung của Nhà vua, Yeo cho biết trên trang web của mình rằng tông màu chủ đạo nổi bật “không chỉ cộng hưởng với di sản mang tính lịch sử trong nhiều bức chân dung hoàng gia mà còn thổi một luồng gió đương đại vào thể loại này - mang đến sự tương phản giữa hiện đại và truyền thống.”
Ông cho biết thêm rằng chi tiết con bướm tượng trưng cho vẻ đẹp và thiên nhiên, đồng thời nêu bật mối quan tâm của nhà vua đối với môi trường.
Những bức tranh của Jonathan Yeo đều được đưa vào bộ sưu tập vĩnh viễn của Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia ở London.
Bản thân Nhà vua cũng là một họa sĩ và ông đã từng có một bộ sưu tập tranh màu nước được trưng bày ở London vào năm 2022. Trước đây, ông đã mô tả hội họa là “một trong những thú vui thư giãn nhất mà tôi biết”, đồng thời nói thêm rằng sở thích này “giúp trẻ hóa tâm hồn, điều mà các hoạt động khác không thể làm được.”