Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt (IEDV) cho rằng: Bạo lực học đường bùng phát nhiều nhất ở giai đoạn cuối THCS và đầu THPT - lứa tuổi mà học sinh đang ở giai đoạn dậy thì rất mạnh. Lượng hoóc-môn trong cơ thể tăng cao khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái quá hưng phấn, dễ bị kích động, khả năng tiết chế cảm xúc kém. Đôi khi chỉ một xích mích nhỏ hoặc bị bạn xấu "khích" là "máu anh hùng" nổi lên.
Tùy mức độ nặng nhẹ của từng vụ việc mà có sự ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất của học sinh khác nhau.
Về mặt tâm lý: Thường trẻ bị bạo lực dễ co cụm, lo sợ, tự ti, thậm chí bị ám ảnh suốt cuộc đời. Trẻ gây ra bạo lực sau khi bị người lớn can thiệp cũng để lại những "vết thương" tâm lý lâu dài. Nói chung, dù là bị đánh hay đánh bạn, cả 2 phía đều bị tổn thương.
Về mặt thể chất: Đương nhiên nếu bị đánh hội đồng, đánh nhiều lần, đánh tàn bạo... thì thể chất chắc chắn bị ảnh hưởng. Không chỉ gây tổn hại về kinh tế, nếu thể chất bị xâm hại nghiêm trọng còn dẫn đến những hệ quả mang tính thế hệ: Tàn phế, vô sinh, khuyết tật suốt đời.
Để chấm dứt bạo lực học đường, cả hệ thống xã hội cần phải vào cuộc: Chính quyền địa phương và cộng đồng: Tạo ra các sân chơi bổ ích cho con trẻ; xây dựng cộng đồng văn minh, hòa ái; hạn chế những tiêu cực ảnh hưởng đến học sinh; xử lý nghiêm minh những vụ bạo lực trong và ngoài trường học.
Cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường: Xây dựng chính sách khuyến khích các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc đào tạo, huấn luyện kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, các câu lạc bộ ngoại khóa lành mạnh, các sân chơi nhân ái cho học sinh. Gia đình:
Cha mẹ nên dành thời gian để quan tâm đến con, lắng nghe những tâm tư, suy nghĩ, buồn vui của con; "lớn lên" cùng con và đặc biệt, cần tích cực học kỹ năng làm cha mẹ để thực sự trở thành những người bạn lớn của con. Phá bỏ định kiến: Cha mẹ luôn đúng, con cái phải tuân thủ mệnh lệnh của cha mẹ. "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" - trẻ sống nhân ái sẽ thành người nhân ái.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm, nhà trường, gia đình và xã hội dường như chưa quan tâm nhiều đến những chấn thương tâm lý. Tác hại của bạo lực học đường rất lớn, nó không chỉ làm cho trẻ em bị đánh, không chỉ tổn thương về thân thể, mà chủ yếu là về mặt tinh thần. “Những học sinh này dễ bị trầm cảm, tự ti, nhút nhát. Kẻ đánh người cũng chẳng lợi gì hơn, nhân cách dễ bị “biến thái”, lớn lên sẽ là người hay gây sự rồi lại quay vòng bắt nạt, bạo lực vợ con, bạn bè. Bạo lực học đường sẽ làm gia tăng sự bất ổn trong xã hội, xã hội thiếu niềm tin vào giáo dục.