Mỗi sáng tôi ngồi cà phê vỉa hè, thành phố phương Nam này có quá đông người bán vé số dạo quanh các quán cóc như thế, toàn người già và con nít từ miền Trung vào, miền Tây lên. Sáng nào tôi cũng mua vé số, lúc thì mua của thằng nhóc tuổi gần trưởng thành mà đầu óc của nó cỡ học sinh tiểu học, lúc mua của ông già bị tai biến liệt nửa người ngồi xe lăn điều khiển bằng một tay còn khỏe, lúc mua của bà già tuổi cỡ 70 ngễnh ngãng nhớ nhớ quên quên…
Đội quân vé số dạo quanh quán cóc này có hơn chục người, mỗi người mỗi cảnh nhưng đều giống nhau là nghèo. Họ chẳng những nghèo mà gia đình, người thân của họ cũng chẳng khá giả gì. Thỉnh thoảng biến mất một người trong số họ, thường là quá yếu không đi nổi. Hoặc là có người nào đó may mắn trúng độc đắc cho họ ít tiền đủ để về quê tằn tiện sống nhàn vài năm. Nhưng số này khá hiếm, đâu dễ gì trúng độc đắc mà người ta chia bớt lộc. Trúng độc đắc khó hơn chim bay trên trời ị một bãi trúng đầu người.
Mỗi lần mua vé số tôi đều nói với người bán, chiều nay trúng tôi cho tiền về quê, khỏi bán nữa. Bà già lưng khòm miệng móm nở nụ cười toàn nếp nhăn: Chúc cậu may mắn, già như tui ăn được nhiêu đâu, chỉ mong có chút tiền để làm đám khỏi phiền con cháu. Nhưng có khi nào tôi trúng đâu. Thằng con trai của tôi học môn xác suất nhẩm tính rồi phán: Ba chỉ phí tiền. Tôi cãi, nếu trúng độc đắc tao cho mày đi nước ngoài học. Nó nói ba chỉ mua một hai tờ, có trúng cũng không đủ. Biết bao nhiêu là đủ, người già con nít bán vé số dạo kiếm ăn từng bữa, mình còn chút tiền mua vé số của họ, như thế mình đủ chưa – tôi lẩn thẩn lầm bầm trong miệng.
Gần như tỉnh thành nào cũng có công ty xổ số, trụ sở to đùng, nhưng bán vé số dạo tập trung nhiều nhất vẫn ở Sài Gòn. Có lẽ mãi lực và lòng thương người nơi đây cũng nhiều như mưa nắng hai mùa?! Một lần ở miền Trung, tôi mua vé số nguyên cặp tặng bạn bè ngồi chung bàn. Mua xong mới biết ở đây các công ty xổ số chỉ cho trúng cặp hai, tức giải độc đắc chỉ có hai tờ cùng số. Nếu hôm đó trúng độc đắc thì chỉ có hai người được, còn lại giải… an ủi. Trong khi xổ số miền Nam, được tính từ Bình Thuận vào đến Cà Mau thì số cặp là 10 tờ, nay tăng lên 12 tờ cho giải đặc biệt. Hỏi ra mới biết, vé số bán được nhiều thì giải độc đắc mới lên 12 tờ cho một lần xổ.
Người miền Nam mua vé số rất nhiều còn trúng hay không thì là… bí mật. Nhóm cà phê quán cóc mỗi sáng của tôi chưa ai trúng số cả. “Dễ gì” là hai từ cửa miệng khi nhét vé số mới mua vào túi quần. Biết “dễ gì” trúng số nhưng sáng nào cũng mua. Lúc đầu tôi cũng cầu may, lâu ngày như một thói quen. Lâu hơn nữa thì thành nếp sống. Mỗi sáng vẫn ngồi quán cũ mà không gặp lại một gương mặt cũ trong đội quân bán vé số dạo là thành sự kiện. Bởi luôn mặc định trong đầu khi họ vắng mặt thì “rủi nhiều, may ít”, có thể một trong số họ đã về nơi chốn cuối cùng.
Chiều qua đi ngang một đại lý vé số chuyên cung cấp vé cho người bán dạo và trả tiền cho người trúng, thấy đại lý này trang trí hình ông thần tài thật to. Ông thần tài là biểu tượng của may mắn, còn người bán vé số dạo toàn những cảnh đời bất hạnh. Tự hỏi nếu ông thần tài có linh thiêng sao mãi để nhiều người bất hạnh như thế dù nhiều người bán vé số dạo vẫn dành lại một hai tờ cầu may? Hỏi chỉ để hỏi thôi, trên đời này vẫn còn vô số câu hỏi khó như trúng giải độc đắc vậy.
Sáng nay tôi lại ra quán cóc quen, lại mua vé số của người đàn ông ngoài 60 cụt một chân. Hình như chỉ còn người đàn ông này và một bà già đi bán vé số dạo. Tết rồi. Họ về quê cả rồi dù là chưa bao giờ trúng số.