TP Thủ Đức phải lồng trong sự phát triển của quy hoạch Vùng TP.HCM, mang dấu ấn khu vực và tầm châu Á…
“Cái áo” TP Thủ Đức đang mặc quá chật
Sáng 6/10, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP.HCM đã tổ chức buổi phản biện về Đề án sáp nhập các đơn vị hành chính và TP Thủ Đức.
Hầu hết ý kiến tán đồng việc sáp nhập các đơn vị hành chính và TP Thủ Đức. Nhưng, nhiều chuyên gia còn băn khoăn khi yêu cầu làm rõ hơn mục đích và sự cần thiết phải sáp nhập, thành lập TP mới.
Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh (nguyên Phó GĐ Công an TP.HCM), cái áo mà ba quận phía Đông (quận 2, 9 và Thủ Đức) đang mặc là rất chật. Thành lập TP Thủ Đức ngang cấp huyện thì vẫn bị trói buộc, vẫn phải xin ý kiến nhiều tầng như cấp huyện thì không giải quyết vấn đề gì được.
Ông Minh cho rằng, TP Thủ Đức là khu sáng tạo, tương tác cao phía Đông, mang trong mình nhiệm vụ đầu tàu phát triển kinh tế của TP.HCM… nhưng vẫn là cấp huyện thì có làm nổi không?
"Tôi ví dụ, chỉ một quận Thủ Đức nhưng địa bàn giáp ranh với TP Dĩ An và huyện Thuận An (tỉnh Bình Dương) và TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) rất phức tạp. Tôi tham khảo anh em Công an 24 quận, huyện thì họ cho rằng thẩm quyền như hiện nay không ai dám nhận chức Trưởng Công an TP mới này. Vì, xỏ tay vào cái áo đang chật thì không khác gì xỏ tay vào cái còng”, ông Minh chia sẻ.
Do đó, ông Minh cho rằng, đi đôi với xin ý kiến thành lập TP Thủ Đức thì cũng phải cần có một cơ chế đặc thù bằng một Nghị quyết của Quốc hội để tăng thẩm quyền cho đơn vị hành chính mới này (TP Thủ Đức).
Đối với TS Võ Kim Cương (Hội Quy hoạch và Phát triển TP.HCM) thì đề án TP Thủ Đức còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ.
TS Võ Kim Cương phản biện tại Hội nghị |
Cụ thể, phải làm rõ nhu cầu quản lý hành chính nào đòi hỏi phải tổ chức TP Thủ Đức; nội dung gì mà các quận hiện nay không làm được, chỉ thành phố mới làm được… Phương án nhập 3 quận chưa nêu rõ lý do có tính khoa học, chưa có phương án so sánh, cũng không thấy dự báo cụ thể các hệ lụy của việc sáp nhập như ưu điểm, khuyết điểm ra sao?
Nguyên lý chung là tổ chức quản lý chỉ ra đời khi có nhu cầu quản lý, nhu cầu quản lý ở đây là những gì, có những đòi hỏi gì? Tôi chưa thấy đề án làm rõ.
"Có thể không cần nhập các quận và lập chính quyền TP Thủ Đức, mà thay vào đó là lập một Ủy ban phát triển TP Thủ Đức sẽ phù hợp hơn. Và làm rõ các cơ sở khoa học nào cho việc chọn phương án tổ chức này”, ông Cương đề xuất.
Cần một cái tên ấn tượng hơn
Luật sư Trương Thị Hòa bày tỏ, TP Thủ Đức sẽ góp phần phát triển Vùng TP.HCM (bao gồm TP.HCM và 7 tỉnh Đông Nam bộ), nên cần làm rõ định hướng này.
Việc sáp nhập, thành lập đơn vị mới, cái thấy trước mắt là tinh gọn bộ máy… , nhưng phải làm cho rõ hơn nó có lợi hay có hại cho người dân.
Luật sư Trương Thị Hòa đề xuất tìm tên mới cho TP Thủ Đức để mang phong cách hiện đại, ấn tượng hơn |
Ngay như chọn cái tên TP Thủ Đức, cần phải giải thích vì sao chọn cái tên đó.
Ngày xưa tách huyện Thủ Đức thành 3 quận như hiện nay, cũng đã làm rõ vì sao chọn cái tên như vậy. Bây giờ nhập lại thì cũng cần làm rõ vì sao chọn tên là TP Thủ Đức.
Tên TP Thủ Đức nó có phù hợp với sự phát triển của TP trong thời đại hiện nay chưa? Sẽ có tác động thế nào? Tôi cho rằng, không có quy định giữ lại tên cũ mà phải chọn tên phù hợp. TP sáng tạo, thông minh thì chọn cái tên mới hơn, định hướng cho sự phát triển ấn tượng hơn…
"Cái tên Thủ Đức là trở lại mái nhà xưa, nếu có tên mới, ấn tượng hơn, tạo được ấn tượng không chỉ trong Vùng TP.HCM mà còn ra cả khu vực, châu Á…thì quá hay", bà Hòa chia sẻ.
Theo bà Hòa, người dân ba quận phải hết sức chú ý trong việc chọn tên, để mình thấy tự hào khi là cư dân của TP mới này.
Trước đó, tại buổi lấy ý kiến cử tri cho Đề án TP Thủ Đức và tên gọi, quận 2 có hơn 14.500/72.500 cử tri không đồng tình với tên gọi TP Thủ Đức. Con số này chiếm tỷ lệ 20%, cao nhất trong 3 quận (quận 9 là 3,19%, quận Thủ Đức là 1,15%) được tổ chức lấy ý kiến.
Cử tri quận Thủ Đức đi bỏ phiếu về đề án sáp nhập và tên gọi cho TP mới |
Ngoài ra, hơn 1.100 cử tri quận 2 góp ý tên gọi khác cho TP Thủ Đức. Một số tên mới được đề xuất, như: TP phía Đông, TP Sài Gòn, TP Thủ Đức mới, TP Gia Định hay TP Thủ Thiêm...
Tại hội nghị Thành ủy hôm 25/7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tên gọi thành phố mới sẽ được thống nhất sau khi đề án được Quốc hội thông qua. Trong thời gian chờ đợi, thành phố tạm lấy tên là TP Thủ Đức.
Theo kế hoạch, nếu có trên 50% tổng số cử tri ở phường tán thành, HĐND các cấp liên quan thảo luận, biểu quyết tán thành hoặc không tán thành chủ trương sắp xếp, thì HĐND TP.HCM họp cho ý kiến vào ngày 12/10. Sau đó, UBND TP trình đề án lên Bộ Nội vụ trước 25/10.