UNESCO ra tuyên bố nỗ lực bảo vệ nền văn hóa đầy bản sắc của Afghanistan
Các pho tượng cổ xưa được khắc sâu vào núi, tọa lạc tại tỉnh Bamiyan của Afghanistan, từng là những pho tượng Phật cao nhất thế giới, là Di sản thế giới được UNESCO công nhận, đã bị phá hủy trong loạt hành động của phiến quân Hồi giáo cực đoan năm 2001.
Lực lượng Taliban cũng đã lục soát Bảo tàng quốc gia Afghanistan và đập phá nhiều hiện vật. Dư luận quốc tế đã lên án mạnh mẽ những hành động này, nhiều người dân địa phương cho biết, họ vẫn bị ám ảnh bởi sự tàn phá khốc liệt của các di tích.
Hai pho tượng từ thế kỷ thứ 6 vốn là biểu tượng cho phong cách điêu khắc pha trộn cổ điển của nghệ thuật Gandhara. Đây là nền nghệ thuật có sự hòa trộn tinh tế giữa phương Tây và nét hài hòa của phương Đông, đặc biệt là nghệ thuật Phật giáo. (Ảnh: Reuters) |
Hai mươi năm sau, một kịch bản tương tự đang bị lo sợ sẽ lặp lại và nền di sản văn hóa đa dạng của Afghanistan sẽ bị phá hủy trước sự bất lực của cả thế giới.
Chúng tôi không ngờ mọi chuyện lại xảy ra nhanh như vậy. Chúng tôi dự định vận chuyển cổ vật từ các thành phố như Herat và Kandahar đến nơi an toàn, nhưng sự sụp đổ đột ngột của chính phủ Afghanistan trong những ngày gần đây khiến chúng tôi không kịp trở tay.
Noor Agha Noori, Giám đốc Viện Khảo cổ học của Afghanistan, Thủ đô Kabul
Bộ sưu tập hơn 80.000 hiện vật thuộc sở hữu của Bảo tàng quốc gia Afghanistan bị cho là đang rơi vào tình thế nguy hiểm.
Chúng tôi rất lo lắng cho sự an toàn của nhân viên và các bộ sưu tập của chúng tôi. Chuyện cấp bách lúc này là làm thế nào để tìm được một nơi có thể đảm bảo an toàn cho các hiện vật.
Ông Mohammad Fahim Rahimi, Giám đốc Bảo tàng quốc gia Afghanistan.
Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay kêu gọi bảo tồn nền di sản văn hóa đa dạng của Afghanistan, tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế, và thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo vệ các di sản khỏi bị hư hại và cướp bóc. |
TS. Sahraa Karimi, nữ đạo diễn nổi tiếng ở Afghanistan, cho biết bà không có kế hoạch rời bỏ đất nước, dù bà cũng ôm nhiều nỗi lo lắng cho vận mệnh dân tộc và tương lai của bản thân. Trong bức thư ngỏ gửi đến các tổ chức truyền thông toàn cầu, Sahraa Karimi viết: “Nếu Taliban tiếp quản, họ sẽ cấm tất cả các tác phẩm nghệ thuật. Tôi và các nhà làm phim khác có thể là mục tiêu tiếp theo”.
Trước tình hình trên, UNESCO đang theo sát tình hình thực địa và cam kết thực hiện mọi nỗ lực có thể để bảo vệ nền văn hóa của Afghanistan. Bất kỳ thiệt hại hoặc mất mát nào đối với di sản văn hóa sẽ chỉ gây ra những hậu quả bất lợi đối với triển vọng hòa bình lâu dài và cứu trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan.
UNESCO nhấn mạnh thêm nhu cầu về một môi trường an toàn để làm việc cho các chuyên gia di sản văn hóa cũng như những người làm trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo của đất nước, những người đóng vai trò trung tâm cho sự gắn kết quốc gia và cấu trúc xã hội của Afghanistan.
UNESCO sẽ không tiếc nỗ lực hỗ trợ tất cả người dân Afghanistan đảm bảo quyền được giáo dục.
“Những tiến bộ to lớn đạt được của đất nước bao gồm cả giáo dục không được để mất. Giáo dục phải được tiếp tục cho trẻ em gái và phụ nữ. Tương lai của Afghanistan phụ thuộc vào họ.” |
Giáo dục là một quyền cơ bản của con người và là điều không thể thiếu cho sự phát triển của Afghanistan. UNESCO kêu gọi tất cả các bên đảm bảo quyền được học hành mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào. Học sinh, giáo viên và nhân viên giáo dục phải được tiếp cận với môi trường giáo dục an toàn, bao gồm cả trẻ em gái và phụ nữ.
UNESCO đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường giáo dục ở Afghanistan từ năm 1948. Thông qua văn phòng của mình ở Kabul, UNESCO đã đầu tư vào chính sách giáo dục, đặc biệt là giáo dục cho trẻ em gái, với chiến dịch xóa mù chữ lớn nhất trong lịch sử của Tổ chức. Kết quả cho đến nay, UNESCO đã tiếp cận 1,2 triệu người Afghanistan, bao gồm 800.000 phụ nữ. Gần đây hơn, UNESCO đã hỗ trợ các nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19, giúp hệ thống giáo dục thúc đẩy việc trở lại trường học an toàn, đặc biệt là đối với trẻ em gái. Tổng Giám đốc nhấn mạnh việc không thể để mất những thành tựu về giáo dục mà đất nước đã đạt được lâu nay.
Trước đây, Taliban đã ban hành nhiều luật lệ hà khắc như cấm trẻ em gái đến trường áp đặt các hình phạt như cắt cụt chân, ném đá hoặc treo cổ. Trong lần trở lại này, Taliban dường như đang cố gắng tạo ra một bộ mặt hiện đại hơn.
Một phát ngôn viên của lực lượng cho biết Taliban sẽ bảo vệ quyền của phụ nữ, cũng như quyền tự do của báo giới và các nhà ngoại giao. “Chúng tôi đảm bảo với người dân, đặc biệt là ở thành phố Kabul, rằng tài sản và cuộc sống của họ được an toàn”, người này khẳng định.